Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sáng 23/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết, tới nay, hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Vietcombank và FWD vẫn là giao dịch có quy mô kỷ lục và chưa ngân hàng nào vượt qua. Trong khi năm ngoái, Vietcombank đứng thứ 13 về phân phối bảo hiểm nhân thọ thì tới quý I năm nay, nhà băng đã vươn lên vị trí thứ 8.
Dự kiến cả năm 2021, ngân hàng hạch toán 1.750 tỷ đồng từ khoản phí upfront (phí trả trước) từ hợp đồng bancassurance và 1.100 tỷ đồng từ hoa hồng bán bảo hiểm nếu đạt kế hoạch. Gộp chung lại, ngân hàng ghi nhận khoản thu 2.800 tỷ từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền với FWD trong năm nay.
Tại đại hội, nhiều cổ đông thắc mắc lý do nhà băng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 thận trọng khi chỉ tăng trưởng 11% so với năm trước.
Trả lời cổ đông, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế xã hội và tham vấn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Kế hoạch là thận trọng nhưng dư địa rất tích cực, theo lãnh đạo ngân hàng.
"Trên thực tế, triển vọng lợi nhuận của ngân hàng tốt hơn nhiều và sẽ đạt kết quả quan trọng năm nay", ông Dũng nói. Vietcombank cũng thường đặt mục tiêu thận trọng và chưa năm nào không vượt kế hoạch đề ra.
Trải qua giai đoạn "tích tụ" hai năm 2020 và 2021 với khoản dự phòng đạt kỷ lục trên 19.000 tỷ đồng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục 370%, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho rằng lợi nhuận ngân hàng sẽ bứt phá mạnh trong các năm tới. Dự kiến đến 2025, lợi nhuận nhà băng này sẽ đạt mức 2 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2020.
Riêng ba tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngân hàng thu khoảng 390 tỷ đồng từ kênh bán bảo hiểm (bancassurance), vượt xa cùng kỳ năm ngoái.
Sáng nay, nhà băng cũng đã thông qua phương án tăng vốn trong năm 2021 qua hai cách. Cụ thể, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Bên cạnh đó, phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô tối đa 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, có thể gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu.
Trong đợt chào bán riêng lẻ, ngân hàng này dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản tối thiểu 46 triệu cổ phiếu để giữ tỷ lệ sở hữu ít nhất 15% và phát hành thêm cho nhà đầu tư khác.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn đã được cơ quan nhà nước thông qua và sẽ được thực hiện sớm trong năm nay, lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Tại đại hội năm ngoái, Vietcombank cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 và phát hành riêng lẻ quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc tăng vốn chưa được thực hiện trong năm 2020 do phụ thuộc hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó tại đại hội sáng nay, Vietcombank cũng lên kế hoạch dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ của năm 2020 để chia cổ tức. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể cần chờ ý kiến chính thức của Ngân hàng Nhà nước.
Vietcombank đang là ngân hàng dẫn đầu thị trường về quy mô tiền gửi không kỳ hạn. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhà băng hiện ở mức 32%, đứng thứ hai thị trường (sau Techcombank) và bỏ xa các ngân hàng có vốn nhà nước khác. Gần đây, Vietcombank đẩy mạnh ngân hàng số và chương trình gói tài khoản miễn phí chuyển tiền, một trong các động thái cho thấy tham vọng tiếp tục nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cải thiện nguồn vốn giá rẻ.
Năm 2021, nhà băng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5%, dư nợ tín dụng tăng 10,5% và huy động vốn dự kiến tăng 7%. Theo kế hoạch, lãi hợp nhất trước thuế mục tiêu của Viecombank tăng 11% lên 25.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1%.
Quỳnh Trang