Đại diện đơn vị có cuộc trò chuyện cùng VnExpress xoay quanh vấn đề quản trị rủi ro trong trạng thái "bình thường mới".
- Ngân hàng đã xây dựng các kịch bản nào để đảm bảo hoạt động khi dịch Covid-19 xảy ra liên tục với những chủng mới?
- Cũng đã bước sang năm thứ hai của mùa dịch và ngay từ năm 2020, chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo Covid-19 với chức năng phê duyệt nguyên tắc xây dựng và kế hoạch dự phòng ứng phó khẩn cấp (gồm kế hoạch dự phòng về y tế, nhân sự, truyền thông).
Đầu tiên, để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho cán bộ, khách hàng, các cơ sở sẽ phun khử trùng, lau khử trùng, đặt nước sát khuẩn, duy trì nhiệt độ, quy định về hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập đông người, đánh giá mức độ rủi ro và nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly, xét nghiệm đối với ca nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh Covid-19.
Chúng tôi xây dựng các kế hoạch làm việc từ xa, làm việc theo ca, làm việc tại địa điểm dự phòng; kích hoạt phù hợp với diễn biến dịch bệnh, tuân thủ quy định của Chính phủ về giãn cách xã hội. Dù triển khai lần đầu, quá trình làm việc tại địa điểm dự phòng hay từ xa, làm việc theo ca đã được các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu duy trì hoạt động liên tục và hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh.
- Làm cách nào để đảm bảo làm từ xa và chống dịch hiệu quả?
- Chúng tôi thường xuyên tổ chức truyền thông nội bộ bằng nhiều hình thức, nội dung xoay quanh việc sẵn sàng và chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Nhân viên được phổ biến kiến thức phòng ngừa dịch bệnh và ứng xử khi phát hiện nguy cơ lây nhiễm, cập nhật về Covid-19.
Nhân viên toàn hệ thống ký cam kết tuân thủ pháp luật và quy định của cơ quan nhà nước trong công tác phòng chống Covid-19. Truyền thông cảnh báo rủi ro đối với khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo, gian lận của các đối tượng xấu lợi dụng dịch Covid-19 để chiếm đoạt tài sản của khách hàng trong tài khoản và thẻ thanh toán.
Các phương án ứng phó trên phổ biến thường xuyên, liên tục đến tất cả đơn vị và người lao động để chủ động ứng phó khi phát sinh tình huống nghi nhiễm, bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục.

Quá trình giao dịch đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch. Ảnh: Vietcombank
- Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư nhằm tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, đây có phải là hành lang pháp lý quan trọng để Vietcombank tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân?
- Sự bùng phát bất ngờ của Covid-19 trong năm 2020 đã gây đình trệ sản xuất của hầu hết ngành kinh tế, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, thương mại toàn cầu, tạo áp lực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư mở rộng đối tượng khách hàng được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là động thái tích cực, giảm áp lực tài chính với các doanh nghiệp vay vốn sản xuất, hỗ trợ quá trình phục hồi hoạt động kinh doanh sau dịch
Trên cơ sở quy định tại Thông tư này, Vietcombank đã ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn các chi nhánh triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19. Trong đó, đơn vị bổ sung số dư nợ được xem xét cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nguyên tắc phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nguyên tắc trích lập dự phòng rủi ro...
Chúng tôi còn tiên phong giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Riêng trong năm 2020, Vietcombank đã có 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thiên tai với tổng mức chia sẻ 3.700 tỷ đồng lợi nhuận.

Trụ sở ngân hàng. Ảnh: Vietcombank
- Quy định trích lập dự phòng với lộ trình ba năm tại Thông tư 03 tạo thuận lợi gì cho Vietcombank và các tổ chức tín dụng?
- Bên cạnh tác động tích cực trong việc hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thông tư 01 tiềm ẩn những nguy cơ khi chưa thực hiện ghi nhận nợ xấu đối với các khách hàng cơ cấu.
Thông tư 03 yêu cầu các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01, căn cứ nhóm nợ thực tế của khách hàng (không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ). Để giãn áp lực tài chính cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định cho phép thực hiện phân bổ giá trị trích lập dự phòng cụ thể trong tối đa ba năm.
Đây là động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục tiêu xây dựng có lộ trình bước đệm dự phòng, đảm bảo an toàn vốn của các ngân hàng trước những nguy cơ bất lợi có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh. Trên cơ sở danh mục khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hiện tại, đồng thời căn cứ khả năng tài chính, Vietcombank sẽ xem xét thực hiện trích lập toàn bộ dự phòng cụ thể theo quy định ngay trong năm 2021, thay vì phân bổ trích lập trong ba năm tới.
Minh Huy