Trình cổ đông tại phiên họp thường niên sáng nay, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) đề xuất hai phương án tăng vốn giai đoạn 2019-2020, đưa vốn điều lệ từ hơn 37.089 tỷ hiện tại lên gần 55.300 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18.200 tỷ đồng (hơn 49%).
Trong đó, Vietcombank đề xuất việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%, tăng vốn lên gần 52.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2019 sau khi được chấp thuận từ các cơ quan quản lý.
Sau phương án chia thưởng, ngân hàng dự kiến sẽ thực hiện tiếp phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ với tỷ lệ 6,5%, tăng vốn thêm 3.375 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2019-2020, sau khi hoàn tất tăng vốn đợt 1.
Định hướng trong năm 2019, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tập trung vào ba trụ cột chính, là bán lẻ, dịch vụ và đầu tư (kinh doanh vốn). Vietcombank sẽ tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, tăng tỷ trọng dư nợ theo hướng tín dụng ngành, tín dụng FDI, dư nợ các lĩnh vực sản xuất. Riêng với lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng cho biết sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mua ôtô... có hiệu quả cao, hạn chế cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay lĩnh vực tạo NIM thấp.
Về kế hoạch kinh doanh cụ thể, Vietcombank trình cổ đông phương án lợi nhuận hợp nhất trước thuế 20.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ dự kiến đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 8,3%.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank được cấp "quota" tăng trưởng tín dụng cao nhất trong số bốn ngân hàng cổ phần quốc doanh, với tỷ lệ 15%. Dư nợ tín dụng đến cuối năm dự kiến tăng theo tỷ lệ được cấp, với huy động vốn tăng trong khoảng 11-13%. Tổng tài sản đến cuối năm vượt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12%.
Năm 2018, Vietcombank báo lãi cao nhất hệ thống với lợi nhuận trước thuế hơn 18.200 tỷ đồng, tăng 61,1% so với năm 2017 và vượt 37,4% kế hoạch năm. Theo phương án phân phối lợi nhuận, ngân hàng đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 8% và giữ lại lợi nhuận hơn 6.700 tỷ đồng để tăng vốn.
Chia sẻ thêm về kế hoạch lợi nhuận, Chủ tịch Vietcombank cho biết phương án trình cổ đông sẽ là mục tiêu thấp nhất tronng năm nay, ngân hàng sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn và sẽ có điều chỉnh tùy theo diễn biến thực tế.
Liên quan đến việc chênh lệch 500 tỷ đồng so kế hoạch lợi nhuận công bố trước đó, ông Thành cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, nhà băng này sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay, theo đó dẫn tới việc điều chỉnh lợi nhuận giảm nhẹ so với kế hoạch ban đầu.
Về chiến lược tập trung vào mảng ôtô, người đứng đầu Vietcombank cho biết thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, biên lợi nhuận các ngân hàng khác thấp không có nghĩa biên lợi nhuận của Vietcombank cũng thấp. Theo đó, Vietcombank xác định lĩnh vực này sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của mảng bán lẻ trong năm tới. Hiện dư nợ cho vay ôtô của ngân hàng cũng ở mức rất nhỏ, chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng so với tổng dư nợ mảng bán lể hơn 300.000 tỷ đồng.
Riêng với kế hoạch tăng vốn, ông Phạm Quang Dũng, tổng giám đốc Vietcombank cho biết kế hoạch tăng vốn thêm 6,5% sau khi chia cổ thưởng, thực tế là một phần của kế hoạch tăng vốn 10% đã được phê duyệt năm trước. Tuy nhiên, khác với kế hoạch ban đầu, lần này ngân hàng mở rộng đối tượng tham gia khi ngoài phương án phát hành riêng lẻ mà còn thêm kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu. GIC, sau khi mua lô cổ phần chào bán riêng lẻ đầu tiên, cũng thể hiện ý định tham gia vào lần phát hành sắp tới của Vietcombank, ngoài ra đại diện ngân hàng cũng cho biết có một số tổ chức, định chế tài chính lớn cũng quan tâm đến đợt chào bán sắp tới.
Minh Sơn