"Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024" với chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số" vừa được khai mạc vào ngày 8/5, tại Hà Nội. Sự kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Tại gian hàng, Vietcombank giới thiệu về giải pháp định danh và xác thực thông qua kết nối trực tiếp (app-to-app) giữa app ngân hàng và app VNeID. Vietcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng giải pháp này trên thị trường, mang tới trải nghiệm liền mạch và hoàn toàn online cho người dân. Ngân hàng cũng đồng thời trình diễn ứng dụng xác thực sinh trắc học bằng dữ liệu khuôn mặt (Facepay) theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, giúp tăng cường công tác phòng chống gian lận, lừa đảo trong các giao dịch điện tử.
Các đại biểu tham dự sự kiện cũng được nghe những bài tham luận của các đơn vị trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết thành tựu chuyển đổi số. Bà Đinh Thị Thái, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối quản lý rủi ro Vietcombank, chia sẻ những thông tin liên quan đến chủ đề kết nối, tích hợp ứng dụng VNeID trong xác thực, định danh khách hàng để phòng ngừa gian lận, lừa đảo.
Theo đại diện Vietcombank, các ngân hàng đã chủ động gia tăng tần suất cải tiến những hình thức cảnh báo nhằm khuyến nghị khách hàng bảo mật thông tin của mình và thực hiện giao dịch trực tuyến an toàn. Với việc phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công thương, Bộ Công an, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cùng Cục Cảnh sát hành chính về trật tự xã hội (C06), Vietcombank hoàn thành kết nối về kỹ thuật với Dữ liệu dân cư quốc gia và ứng dụng nhiều giải pháp định danh chính xác công dân, khách hàng. Việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an.
Vietcombank đã sớm nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số và coi đây là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của ngân hàng trong tương lai. Ngay từ năm 2018, đây là một trong những ngân hàng đầu tiên thuê tư vấn nước ngoài xây dựng chiến lược chuyển đổi số và chiến lược này đang được thực thi mạnh mẽ. Các sản phẩm dịch vụ số ra mắt liên tục trong những năm qua, cùng quá trình nâng cấp trải nghiệm khách hàng mạnh mẽ là những thành quả bước đầu của quá trình đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số tại Vietcombank.
Mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 của Vietcombank là tiếp tục khẳng định vị trí số một tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam. Do đó, ngân hàng đề ra kế hoạch hành động chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng nhằm từng bước nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động. Việc đơn vị đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ thanh toán và công nghệ hội thoại tương tác với khách hàng là minh chứng tiêu biểu trong hành trình hiện thực mục tiêu số hóa của thương hiệu ngân hàng Việt, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới.
"Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024" là sự kiện lớn nhất trong năm liên quan đến chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện năm nay nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số" - có sự tiếp nối với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số" của Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023.
Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án 06 của thủ tướng chính phủ cũng như kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Như Ý