Tương tự phiên họp thường niên của Ngân hàng Quân Đội (MB) ngày 25/4, tâm điểm chú ý của cổ đông trong phiên họp hôm nay của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng xoay quanh tờ trình nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Tờ trình này không xuất hiện trong tài liệu họp được công bố cách đây hai tuần, chỉ mới được Vietcombank đưa lên website và in ra gửi cổ đông ngay trước giờ họp. Nội dung chính là ngân hàng xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Hàng loạt câu hỏi từ các cổ đông được đưa ra, như danh tính của ngân hàng nhận chuyển giao, các chỉ tiêu tài chính, lợi ích của việc này với Vietcombank, cũng như lộ trình thực hiện và tác động tới các chỉ tiêu kinh doanh trong tương lai.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết hiện tại ngân hàng vẫn trong quá trình xây dựng kế hoạch, chưa thể khẳng định sẽ nhận chuyển giao tổ chức tín dụng nào và bao giờ thực hiện. Tuy nhiên, ông tiết lộ ngân hàng này trong số 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Người đứng đầu Vietcombank khẳng định là dù là bất cứ đơn vị nào thì với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, sự quyết tâm của ngân hàng, Vietcombank có đủ khả năng đưa tổ chức tín dụng này trở lại hoạt động bình thường. Lộ trình cụ thể vẫn chưa được tính tới do còn phụ thuộc tình hình tài chính ngân hàng nhận chuyển giao, quy mô và mức độ các biện pháp hỗ trợ, diễn biến tình hình thị trường, dù vậy dự kiến thời gian xử lý không quá 8-10 năm.
Cũng liên quan tới tờ trình nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, Vietcombank chia sẻ với cổ đông sẽ nhận được nhiều lợi ích.
Trong đó, ngân hàng này sẽ được ưu tiên cho vay vượt quy định về vốn tự có đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan (15% vốn tự có với một khách hàng và 25% với nhóm khách hàng liên quan). Phó tổng giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, nếu được chấp thuận, Vietcombank có thể tự thực hiện các khoản vay quy mô lớn cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng liên quan mà không cần thực hiện hợp vốn cùng ba ngân hàng khác theo nội dung tại Quyết định 13/2018.
Ngoài lợi ích này, Vietcombank được cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm, tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong suốt thời gian ngân hàng nhận chuyển giao chưa hết lỗ luỹ kế.
Bên cạnh đó, Vietcombank được tăng trưởng tín dụng không giới hạn hàng năm nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ, được mở thêm chi nhánh...
Tuy nhiên, Chủ tịch Vietcombank cũng cho biết những lợi ích này mới là đề xuất của phía ngân hàng, được xây dựng trong kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc. Phương án này cần được sự phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền.
Với lo ngại về khả năng tận dụng lợi thế tăng trưởng tín dụng khi tỷ lệ an toàn vốn của Vietcombank chỉ hơn 9%, gần ngưỡng tối thiểu, ông Dũng cho biết ngân hàng này đang đẩy nhanh tiến độ kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn trong năm nay. Thương vụ này kéo dài một phần bởi quy mô lớn, ước tính trên 1 tỷ USD.
Năm nay, Hội đồng quản trị Vietcombank đã trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm tăng tối thiểu 12%, tương ứng gần 30.700 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.
Với thắc mắc của cổ đông về kế hoạch lợi nhuận có phần khiêm tốn, đại diện ngân hàng khẳng định con số này chỉ là mức tối thiểu, Vietcombank phấn đấu đạt mức lợi nhuận phù hợp với quy mô.
Riêng quý I, dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng 7%, nếu tính tới thời điểm họp thường niên hôm nay là tăng 8,8%. Lợi nhuận trước thuế trên báo cáo riêng lẻ trong ba tháng đầu năm đạt 9.650 tỷ đồng, tăng 16,2%, đạt 32% kế hoạch năm.
Minh Sơn