Đạo diễn hình Việt Tú. |
- Anh đã gặp những khó khăn gì trong êkíp làm việc khi tuổi của anh còn trẻ mà đã làm người tổng chỉ huy - đạo diễn?
- Vấn đề chính trong một êkíp làm việc với những cái đầu sáng tạo là bạn phải chỉ ra cho họ con đường nào đi là đúng. Hơn nữa, sản phẩm của một êkíp là sản phẩm của tập thể chứ không phải của cá nhân. Vì vậy kỹ năng làm việc của đạo diễn là kỹ năng kết nối mọi người và hướng mọi người đi đúng con đường. Tôi nghĩ tuổi tác, già trẻ sẽ không quan trọng nữa, và cũng không có sự gièm pha lẫn nhau ở đây.
- Người ta đồn, để có được một chân trong Đài truyền hình Việt Nam thì phải là "con cháu nhà đài". Anh thì sao?
- Thực ra bố của tôi cũng là đồng nghiệp của tôi. Vị trí của ông cũng là vị trí tôi đang làm - một đạo diễn ca nhạc. Việc hướng nghiệp của mình theo ngành đạo diễn truyền hình có rất nhiều ảnh hưởng cũng như lời khuyên của ông.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội, tôi không biết phải làm gì nên quyết định ở nhà một thời gian rồi tính tiếp. Trong lúc đó bố tôi khuyên tôi học trường Sân khấu Điện ảnh vì thấy tôi thích nhạc, thích điện ảnh và cũng bởi như thế, bố tôi dễ xin việc hơn cho tôi. Tôi nghĩ việc bố tôi làm trong Đài truyền hình và có khả năng xin việc cho tôi là một lợi thế, và tại sao mình không tận dụng cái lợi thế đó để con đường đi của mình được dễ dàng và thuận lợi hơn.
- Khi học trong trường nhạc anh luôn bị các bạn học thời đó như Mỹ Linh, Hà Trần… ghét "cái thằng đầu nồi úp". Học cùng những người nổi tiếng như vậy có giúp gì cho anh trong công việc sau này?
- Thời đó "đầu nồi úp" là mốt và tôi cũng để kiểu đầu đó. Ở trường, tôi là một đứa học sinh cá biệt vì luôn "đẻ" ra những trò quái gở, nghịch ngợm. Trong khi các bạn học cùng khoá như Mỹ Linh, Hà Trần, Kiên saxophone… là những người chăm học.
Đương nhiên, những người chăm học sẽ ghét những đứa học sinh cá biệt và học dốt như tôi. Sau này khi tôi làm đạo diễn, ấn tượng xấu về một đứa học sinh cá biệt vẫn gắn liền. Chính vì vậy mà các bạn ít tin tôi và chỉ có công việc mới giúp tôi chứng minh sự tin tưởng của tôi với họ.
- Có một số ý kiến cho rằng các chương trình của anh hao hao với các chương trình ca nhạc trên kênh MTV hay chương trình American Idol của Mỹ, anh nghĩ sao về điều này?
- Câu hỏi này tôi đã gặp rất nhiều lần. Nhưng tôi dám khẳng định những chương trình như Con đường âm nhạc, Sao Mai - Điểm hẹn, Đẹp fashion show và các chương trình khác mà tôi đã làm không phải là sự rập khuôn thiếu sáng tạo. Bản thân tôi đã mất rất nhiều thời gian để nghĩ cũng như sáng tạo ra các chương trình. Đó cũng là chất xám của cả một êkíp.
Các hãng truyền hình có thể mua bán bản quyền các chương trình cho nhau, như chương trình Ai là triệu phú… Còn nếu rập khuôn y hệt các chương trình đang rất là "hot", thì trung tâm bản quyền sẽ "sờ gáy" ngay lập tức. Ngoài ra, trước khi làm một chương trình, cả êkíp phải ngồi bàn bạc với nhau về bản quyền, về việc được phép làm gì và không được phép làm gì, sau đó mới bắt tay thực hiện.
- Những hình ảnh cá vàng trong "Im Lặng - Dương Thụ" hay cắt tóc mà không thấy tóc rơi trong "Dưới mái đình - Nguyễn Cường", liệu có khó hiểu với đại đa số người xem?
- Các clip phim ngắn đó mang tính hình tượng đương đại nên hơi khó hiểu là đương nhiên. Nó cũng giống như những bức tranh trừu tượng, mỗi người một cách hiểu khác nhau. Tại sao tôi sử dụng cá vàng trong chương trình Dương Thụ, vì người ta vẫn lấy cá vàng là biểu tượng của sự im lặng. Nếu cá chọi là biểu tượng của sự im lặng thì tôi cũng lấy cá chọi.
Còn trong chương trình Nguyễn Cường, tôi làm clip dựa trên các tản văn viết về nhạc sĩ hoặc những đoạn văn tự thuật của nhạc sĩ đó để làm clip. Tôi đã đọc được một đoạn văn về Nguyễn Cường khi ông đến cắt tóc, tỉa râu tại một cửa hàng, thấy rất hay và vui nhộn. Đoạn cuối với bốn chi tiết: cặp kính, nụ cười ria mép, mái tóc bồng bềnh và chiếc mũ đã làm nên nhạc sĩ Nguyễn Cường. Các chi tiết đã miêu tả nên ông, còn tiếng kéo cắt là để làm đoạn phim đó vui nhộn và sinh động hơn.
- Kỷ niệm nào đáng nhớ trong nghề đạo diễn của anh?
- Đó là lần tham gia VTV - Bài hát tôi yêu lần thứ nhất, khi quay video clip của ca sĩ Mỹ Linh trên nóc tòa nhà Melia, Mỹ Linh đứng ở tầng 25, nóc toà nhà, với bối cảnh đằng sau là chân trời và khoảng đường phố Hà Nội. Khi nhìn thấy cơn dông, chúng tôi đã quay cố để Mỹ Linh được về sớm. Nhưng điều không thể tưởng là cơn dông đó cuốn từ đường chân trời đến rất nhanh.
Cảnh tượng đó tôi nghĩ bạn chỉ có thể nhìn thấy trong phim khoa học viễn tưởng mà thôi. Gió mạnh, mưa nặng và đám mây đen sì ập đến không tưởng nổi. Cả đoàn làm phim vội chạy và không kịp thu bất cứ một dụng cụ đồ nghề nào. Tôi, Mỹ Linh và êkíp thực hiện ướt như chuột lột. Cuối cùng băng quay cũng bị ướt, hỏng và cuối cùng phải ghi hình lại từ đầu.
(Theo VOV)