- Sau khi chia tay "Con đường âm nhạc", anh dự định sẽ làm gì?
- Tôi nghĩ có thể xin được học bổng du học, còn học ở đâu thì chưa biết. Nhưng tôi biết quỹ hỗ trợ cho những nghệ sĩ trẻ rất nhiều, chỉ có điều mình phải cố gắng tìm. Tất nhiên, người ta phải xem những việc mình đã làm từ trước đến nay, liệu mình có phải là người đáng tin cậy để người ta đầu tư hay không.
- Anh nghĩ sao về ý định đến Mỹ du học?
- Định như thế nhưng điều quan trọng là phải chọn được trường thích hợp. Vấn đề là tôi không thể xa nhà trong vòng mấy năm được vì tôi đã có gia đình. Chính vì vậy, tôi muốn kiếm những khóa học tập trung ngắn hạn, có thể đi đi về về.
- Từng là sinh viên khoa kèn Nhạc viện Hà Nội, cơ duyên nào đưa anh đến với nghề đạo diễn?
- Tôi học trung cấp kèn 4 năm cùng khóa với Hồng Kiên nhưng tôi nghĩ mình là học sinh cá biệt. Tôi đến với một nghề nào đó phải do cái duyên. Những người bạn của tôi thành nghề được một phần vì họ là con nhà nòi, phần nữa vì họ có duyên với nghề. Còn tôi thì không, đơn giản là hồi trước tôi thích học rock nhưng bố mẹ lại bảo học kèn, một môn cổ điển. Hồi đó tôi chưa đủ nhận thức để hiểu rằng muốn học gì cũng phải có nền tảng là nhạc cổ điển. Thế là tôi thất vọng, mà đã chán, không có hứng thì không thể học được, nhất là đó lại là một môn nghệ thuật. Lúc chuyển sang trường điện ảnh, tôi thấy phù hợp, đặc biệt khi đã xác định rõ sau này sẽ về Ban Văn nghệ Đài Truyền hình VN. Khi thực tập, tôi càng thấy công việc ấy phù hợp với mình, thế là đầu tư thời gian nhiều cho nó.
Đạo diễn sân khấu là một phần trong các nhánh công việc của tôi. Khi thấy thích và có khả năng ở lĩnh vực nào, tôi thường đầu tư và tìm kiếm cơ hội. Thật may mắn khi cơ hội đầu tiên là một chương trình lớn Nhật thực 1 của Ngọc Đại và Trần Thu Hà. Hồi đó mọi người hết lòng ủng hộ những ý tưởng của tôi, chấp nhận để tôi thử nghiệm. Điều đó rất quan trọng đối với người mới làm. Nếu ngày đó, mọi người can thiệp, rất có thể tôi đã thỏa hiệp vì không đủ sức chống chọi với sức ép. Và như thế, thì hôm nay mọi người đâu có biết đến tôi.
|
Đạo diễn Việt Tú và nhà thơ Đỗ Trung Quân. |
- Theo anh thì vì sao ngày đó, mọi người lại tin tưởng giao cho anh một chương trình lớn như vậy?
- Đơn giản vì tôi và Hà Trần là bạn, cô ấy hiểu rõ tôi có thể làm được những gì. Tiếng tăm chỉ đảm bảo cho chương trình một sự an toàn và chỉn chu, còn sự sáng tạo thì chưa chắc. Thực ra, ở thời điểm bấy giờ, tất cả những người làm nghệ thuật đều không quan tâm đến chuyện tiền bạc chứ không chỉ riêng tôi.
- Những ngày không làm "Con đường âm nhạc", anh làm gì?
- Tôi thư giãn, gặp bạn bè, ở nhà chơi với con, kiểm tra lịch làm việc, xem thông tin về các trường để có sự lựa chọn đúng. Lâu lắm rồi tôi mới có thời gian thư giãn thế này.
- Là đạo diễn đã có vị trí trong làng showbiz, bây giờ chắc anh chỉ nhận làm những show hoành tráng?
- Lớn, hoành tráng là do quan niệm của mỗi người, còn tôi chỉ thích làm những gì phù hợp với mình, những gì mình thích và thực sự quan tâm.
- Vậy chương trình như thế nào thì anh mới thực sự thích và quan tâm?
- Đó là những chương trình cho tôi thể hiện ý tưởng. Thử nghiệm những ý tưởng mới cũng đồng nghĩa với việc mình và êkíp làm việc chấp nhận rủi ro vì ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp vô cùng mong manh, bởi thành công thì là chuyên nghiệp và không thành công thì là nghiệp dư. Có thể những ý tưởng trong đầu rất hay nhưng khi bắt tay vào làm còn bị bao nhiêu yếu tố khác chi phối. Nếu không thành công, mình phải chấp nhận và lấy đó làm bài học kinh nghiệm. Nhưng điều đó cũng rất tốt vì thử nghiệm mang lại cho mình kinh nghiệm, mình sẽ rút ra bài học mới để lần sau làm tốt hơn.
- Giữa một chương trình anh không thích nhưng cát-xê cao và chương trình anh thích nhưng cát-xê thấp, anh tính sao?
- Tôi nghĩ, lý tưởng nhất là vừa làm được chương trình mình thích, vừa nhận được khoản thù lao tương xứng.
- Nhưng đã có lúc anh nói không cần tiền?
- Tôi không phát biểu như vậy. Tôi chỉ bảo rằng mình may mắn có một cuộc sống dễ chịu. Đôi khi việc tôi nhận hay không nhận một dự án nào đó không liên quan nhiều lắm đến khía cạnh kinh tế. Tuy nhiên, nghệ sĩ chúng tôi có khi còn cần tiền nhiều hơn người khác. Để làm gì? Để cuộc sống dễ chịu hơn, không phải làm quá nhiều thứ cùng một lúc, không phải vắt kiệt bản thân đến mức chẳng nghĩ được cái gì hay ho mới mẻ, không phải quá bon chen để cho ra đời những tác phẩm không có chất lượng. Nghệ sĩ mà nghèo, suốt ngày chăm chăm lo nồi cơm thì làm sao cống hiến cho đời được.
- Anh sẽ làm gì nếu rơi vào tình huống nhận chương trình rồi nhưng lại bí ý tưởng?
- Tôi chưa bao giờ rơi vào trường hợp như thế vì khi có lời mời, tôi không nhận lời ngay, thường là tôi phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra câu trả lời. Trong quá trình suy nghĩ, mình đã biết chắc mình làm được gì và không làm được gì.
- Theo anh, thách thức lớn nhất của một đạo diễn sân khấu là gì?
- Luôn luôn là kinh phí.
- Vì sao anh lại chọn cho mình một phong cách thời trang hơi khác người như đầu cua và hip hop?
- Tôi đã luôn như thế này từ khi còn học ở Nhạc viện. Mọi thứ đều rất tự nhiên vì đó là bản năng chứ tôi không phải cố gắng để tạo ra bất kỳ cái gì.
(Theo Thời Trang Trẻ)