Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31/10 chủ trì lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, với 21 phát đại bác chào mừng.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội 13 và ông cũng là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi ông Tập tái cử Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, người từng nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp gặp và chúc mừng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sau Đại hội 20. "Điều này phản ánh sự coi trọng lẫn nhau của Việt Nam và Trung Quốc trong chính sách đối ngoại mỗi nước", ông nói với VnExpress.
Theo ông Trung, nếu xét trên phương diện quan hệ láng giềng, Trung Quốc thời điểm này có những mối quan hệ mang tính thực dụng hơn, như các nền kinh tế lớn Hàn Quốc và Nhật Bản, hay các nước đang được Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư như vùng Trung Á và Pakistan.
"Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Trung Quốc rất chú trọng yếu tố hệ tư tưởng gần gũi giữa hai nước, cao hơn so với quan hệ láng giềng về địa lý", ông Trung nhận định.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 tiếp tục được Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra trong cuộc hội đàm sau lễ đón. Ông cho rằng chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ Việt - Trung.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, biểu tượng cho tình cảm sâu sắc, niềm hy vọng cùng theo đuổi tương lai tốt đẹp hơn của hai bên. Ông Tập chia sẻ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người bạn tốt, chân thành" của Trung Quốc, "người định hướng và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời đại mới".
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung nhận định chuyến thăm cấp cao lần này cho thấy có sự thống nhất từ cả Việt Nam lẫn Trung Quốc về tầm quan trọng của mối quan hệ và nhu cầu trao đổi cấp cao song phương, đặc biệt là sau Đại hội 20.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 31/10 đã cùng chứng kiến lễ ký 13 văn kiện trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, tư pháp, thương mại, hải quan, môi trường và du lịch giữa hai nước.
Theo ông Trung, chuyến thăm đã củng cố trao đổi song phương giữa lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời phù hợp với loạt hoạt động mang tính biểu tượng của ông Tập sau Đại hội 20. Chuyến đi thực tế đầu tiên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới là đến Diên An ở Thiểm Tây, nơi được coi là căn cứ địa cách mạng của nước này.
Đây được xem là chỉ dấu về chủ trương củng cố tinh thần cách mạng trong đảng Cộng sản Trung Quốc thời gian tới, đẩy mạnh vai trò lãnh đạo của đảng và tầm quan trọng của hệ tư tưởng trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Tiến sĩ Trung đánh giá giữa giai đoạn Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt, cách Trung Quốc đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác cho thấy nước này thật sự đánh giá cao chính sách ứng phó với đại dịch tại Việt Nam.
Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nhiều kế hoạch tiếp xúc song phương Việt - Trung. Dù các bên vẫn duy trì liên lạc thông suốt trên nhiều mặt, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước vẫn mang ý nghĩa rất lớn.
"Trung Quốc đang nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của đối tác hữu nghị trong những thể chế đa phương, vì vậy sẽ chú trọng hơn trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cùng các quốc gia khác", Tiến sĩ Trung nhấn mạnh.
Thanh Danh