Các chủ đề trên được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm chính thức của ông Trọng tới Bắc Kinh.
Lễ đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra chiều nay tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Hai Tổng bí thư khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước, là chủ trương nhất quan và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi bên. Trong 65 năm qua, mặc dù có khó khăn, lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính trong quan hệ song phương. Hai ông cùng nhận định mối quan hệ láng giềng là tài sản chung quý báu cần luôn được giữ gìn và không ngừng phát huy.
Một số lĩnh vực hợp tác giữa hai nước hiện chưa đi vào thực chất với trở ngại lớn nhất là sự tin cậy chính trị chưa cao, chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác hữu nghị, xử lý bất đồng, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác, phát triển vì lợi ích song phương, khu vực và quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và mong muốn Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị Trung Quốc quan tâm chỉ đạo lựa chọn nhà thầu có năng lực và khả năng tài chính để các dự án đầu tư tại Việt Nam được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Trung Quốc nhất trí sẽ khuyến khích doanh nghiệp nước này mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam, cùng phía Việt Nam tích cực nghiên cứu, đàm phán, ký kết Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt - Trung. Phía Trung Quốc ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và sẵn sàng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại Trung Quốc.
Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch, môi trường, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, khuyến khích giao lưu, hợp tác giữa các địa phương.
Đối với vấn đề trên biển, hai Tổng Bí thư nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả "Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) và sớm đạt được "Bộ quy tắc về Ứng xử của các bên trên Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai bên đã ký trong đó có hiệp định về hợp tác dẫn độ giữa hai nước, bản ghi nhớ giữa hai Bộ Quốc phòng về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ, thỏa thuận về các vấn đề về thuế đối với Dự án thăm dò chung tài nguyên dầu khí tại vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Infographic: 65 năm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Như Tâm