Việt Trinh cùng biên kịch Châu Thổ thực hiện chương trình 24 giờ gieo hạt yêu thương, chia sẻ những chủ đề về sống tích cực. Dịp này, diễn viên nói về những khó khăn từng gặp phải sau khi công bố giải nghệ từ tháng 1/2022 đến nay.
- Điều gì khiến chị bắt tay thực hiện chương trình lấy cảm hứng từ khái niệm "chữa lành tinh thần"?
- Thời gian qua, tôi đọc thông tin trên báo chí, mạng xã hội thấy nhiều người bị trầm cảm, có những trường hợp gây ra hậu quả đau lòng cho bản thân, gia đình họ. Khoảng bốn năm trước, tôi cũng từng bị trầm cảm nhưng may mắn vượt qua. Một trong những cách hữu hiệu nhất tôi tự chữa bệnh cho mình là tìm một nơi bình yên để hít thở không khí trong lành, thư giãn, nghỉ ngơi.
Tôi nghĩ cần phải lan tỏa điều này, gợi ý cho mọi người hướng đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần nhiều hơn. Một mình tôi không thể làm được nên tôi tìm đến nhà biên kịch Châu Thổ cùng nhau xây dựng dự án. Tôi giữ vai trò tổ chức, kết nối với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ thực hiện những cuộc trò chuyện giải đáp những khúc mắc của mọi người trong công việc, tình cảm gia đình. Trong chương trình này, mọi người cũng sẽ được trải qua 24 giờ gần gũi với thiên nhiên thông qua những buổi ngồi thiền, tập yoga tại một địa điểm ở Bình Dương.
- Nguyên nhân gì khiến chị rơi vào giai đoạn khủng hoảng tinh thần?
- Cuộc đời tôi truân chuyên theo nghĩa đen lẫn bóng. Thời trẻ, tôi từng trải qua biến cố lớn trong chuyện tình cảm. Sau đó, tôi tiếp tục gặp mất mát khi mẹ và anh trai lần lượt qua đời. Những năm tháng đó, tôi dùng cạn nguồn năng lượng để đối diện với đau khổ, không còn sức lực để chống cự thêm một cú sốc lớn nào nữa. Nhưng rồi, tôi như gục ngã khi một lần bác sĩ yêu cầu tôi đưa con trai đi làm mẫu sinh thiết. Trong ba ngày ngồi chờ kết quả bệnh của con, tôi ăn không ngon ngủ không yên. Khi biết sinh thiết âm tính, tôi ôm con bật khóc. Dù vậy, nỗi lo âu về bệnh tật của tôi bỗng trở nên trầm trọng. Một tháng, hai mẹ con ra vô bệnh viện kiểm tra sức khỏe cả chục lần dù sức khỏe bình thường. Bác sĩ thấy tôi gặp vấn đề về tinh thần khuyên tìm chuyên gia tâm lý, lúc đó mới biết mình bị mắc chứng trầm cảm.
- Chị vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống ra sao?
- Thời gian đó, tôi chỉ ở trong nhà, không đi ra ngoài, da mặt sạm lại, ánh mắt vô hồn. Tôi xuống sắc, tăng 10 kg, không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Tôi hay cáu trước những việc không như ý dù rất nhỏ. Tôi quát tháo trợ lý chỉ vì quên nhắc tôi uống thuốc. Tôi sợ những biểu hiện này ảnh hưởng đến con trai - Thiện Nhân - nên thường về nhà vườn ở Bình Dương sống, thay vì ở gần con mỗi ngày.
Mỗi sáng thức dậy, tinh thần tôi kiệt quệ nhưng nghĩ đến con trai chỉ có mỗi mẹ chăm lo, nên ráng sức ra ngoài vườn, hít thở không khí. Tôi nhận thấy việc gần gũi với thiên nhiên giúp tôi cải thiện được tâm trí rất nhiều. Tôi cũng tập thể dục, nhắc nhở bản thân ăn ngủ đúng giờ. Dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn của bác sĩ, tôi uống thuốc mỗi ngày để có thể ngủ được.
Tôi không có người đàn ông bên cạnh, một mình chịu đựng và vượt qua chứng trầm cảm. Mất một năm rưỡi, tôi hồi phục được tinh thần, quay trở lại với nếp sinh hoạt bình thường.
- Áp lực lớn nhất của chị trong việc làm mẹ đơn thân là gì?
- Đó là tự mình đưa ra những quyết định về tương lai của con mà không dám chắc điều đó là đúng hay không. Sắp tới, Thiện Nhân lên lớp 10 và chọn vào khoa tự nhiên. Tôi muốn cho con học tiếng Trung để thêm kỹ năng ngoại ngữ nhưng bé phản đối. Nếu có người đàn ông bên cạnh, tôi sẽ được tư vấn thêm để có những định hướng chính xác cho con.
Về vấn đề tài chính, tôi tự tin 100% vào khả năng nuôi con ăn học đến khi 18 tuổi. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên biết trân quý đồng tiền. Thời nổi tiếng, tôi kiếm nhiều tiền, biết tiết kiệm chứ không tiêu xài hoang phí. Ngoài ra, tôi cũng góp vốn cùng bạn bè mua đất nên có tài sản để dành. Hiện tại, tôi cũng buôn bán online nên cuộc sống ổn định.
Tôi nuôi con một mình dù bố Thiện Nhân muốn trợ giúp bởi tôi không muốn bị can thiệp vào việc dạy dỗ bé. Tôi chỉ đứng ra bảo hộ tài sản mà người cũ cho con và sẽ chuyển giao cho bé khi được 18 tuổi. Tôi và bố Thiện Nhân hiện là bạn bè, thi thoảng nói chuyện với nhau về chuyện học hành của con. Thiện Nhân cũng thường xuyên gặp bố. Anh ấy cũng chưa lập gia đình, độc thân như tôi. Chúng tôi không thể sống chung vì bất đồng tính cách, lối sống.
- Vì sao chị chọn sống không tình yêu lứa đôi và không có người đàn ông bên cạnh?
- Nhiều người khuyên tôi nên tìm bạn đời, có thể san sẻ khó khăn trong cuộc sống, nuôi dạy con. Tuy nhiên, ở độ tuổi 52, tôi khó có thể tìm được người đồng hành như ý. Tôi không thể yêu người nhỏ tuổi hơn mình, còn lớn hơn thì quá khó vì đa số đều có vợ con. Ngoài ra, tôi không còn ham muốn tình dục, mà trong hôn nhân đây là vấn đề rất quan trọng. Tôi không muốn tự rước muộn phiền vào cuộc sống vốn dĩ đang bình yên. Nếu số phận tôi bất hạnh trong chuyện tình cảm, tôi đành chấp nhận.
Cũng có nhiều người ngỏ ý tìm hiểu nhưng tôi đều tìm cách từ chối khéo, giữ mối quan hệ bạn bè hoặc anh em. Tôi không bao giờ trả lời mập mờ, tạo cơ hội cho người khác tán tỉnh.
- Với chị, tình yêu giờ có ý nghĩa ra sao?
- Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ chỉ có tình yêu đôi lứa mới mang lại hạnh phúc, sự trẻ trung, yêu đời. Bây giờ, tôi thấy tình yêu với thiên nhiên, gia đình mới mang lại những điều kỳ diệu trong cuộc sống, giúp tôi vượt qua nhiều thử thách.
Tôi từng áp lực khi được xem là biểu tượng nhan sắc trên màn ảnh và ngoài đời. Trải qua những biến cố trong cuộc sống, tôi không còn tìm cách níu kéo xuân sắc, chỉ tập trung vào rèn luyện sức khỏe tinh thần. Tôi học cách buông bớt những ham muốn, dừng lại nhận diện được những điều cần thiết trong cuộc sống. Tôi muốn được chia sẻ, học cách tìm sự bình an, tích góp những năng lượng yêu thương để nuôi lớn hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Hồi tháng 1/2022, Việt Trinh cho biết giải nghệ, rút khỏi màn ảnh sau hơn 30 năm đóng phim, tập trung chăm sóc con trai.
Người đẹp là diễn viên nổi tiếng thập niên 1990 với các bộ phim như Ngọc trong đá, Sao em vội lấy chồng, Người đẹp Tây Đô. Gặp nhiều sóng gió tình cảm và cuộc sống, nghệ sĩ rút khỏi làng giải trí một thời gian. Năm 2010, chị trở lại hoạt động nghệ thuật và thử sức vai trò đạo diễn, hợp tác biên kịch Châu Thổ làm một số phim trong đó có Trở về gồm ba phần và phim điện ảnh Trót yêu (2015).
Hoàng Dung