- Mới đây, chị gây chú ý với khán giả khi tái hiện hình ảnh Bạch Cúc trong phim "Người đẹp Tây Đô". Duyên cớ nào khiến chị thực hiện bộ ảnh này?
- Hơn 10 năm qua tôi rất lười chụp ảnh. Tưởng tượng giờ mà quần áo son phấn, tạo dáng dưới trời nắng thì ngán ngẩm lắm. Nhưng đúng là mọi thứ đều khởi nguồn từ cái duyên. Một ngày, bạn tôi - một chuyên gia make-up - bảo có một bạn chụp ảnh muốn tái hiện hình tượng Bạch Cúc của Người đẹp Tây Đô. Tôi nhẩm tính lại, năm nay cũng gần 20 năm kể từ khi bộ phim bấm máy. Và tôi đòi gặp nhiếp ảnh ngay, cùng xem lại phim rồi đi chụp kẻo "nguội" cảm xúc.
Chúng tôi chia ra mỗi người một việc, người đặt may áo dài, người tìm bối cảnh, đạo cụ... Ngôi từ đường ở Cần Thơ cho êkíp mượn làm bối cảnh cũng rất gần nhà chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn - chính là "người đẹp Tây Đô" bằng xương bằng thịt mà tôi có vinh hạnh được hóa thân. Phải đến khi kết thúc buổi chụp, tôi mới được chủ nhà chia sẻ điều này.
- Cảm xúc của chị thế nào?
- Tôi có dịp sống lại cái thời cách đây 20 năm, khi bà con đứng dưới những ô cửa sổ để xem diễn viên đóng phim tại nhà dân. Nhưng ngay những kiểu hình đầu tiên tôi đã hoàn toàn rơi ra ngoài nhân vật, chắc vì tôi đã già dặn hơn trước nhiều. Êkíp phải mở cải lương để giúp tôi lấy cảm xúc. Tự nhiên nghe làn điệu đó cùng cảnh trí xưa, tôi đã nhớ tới cảnh Bạch Cúc gặp mối tình đầu (Lê Công Tuấn Anh đóng). Bộ ảnh này thật sự là một kỷ niệm đẹp và quý giá với tôi.
- Hai mươi năm kể từ khi đóng phim "Người đẹp Tây Đô", ký ức nào đọng lại trong chị nhiều nhất khi nhớ về phim?
- Không chỉ nhớ mà phải dùng từ ám ảnh mới chính xác. Thời ấy công cụ làm phim còn thô sơ, nhưng tâm huyết và đam mê của cả đạo diễn và dàn diễn viên thì luôn cháy bỏng. Mà vì nhập tâm quá, đôi khi các cô chú quên mất mình đang đóng phim. Tôi nhớ hoài cảnh Bạch Cúc bị mẹ chồng (diễn viên Tú Trinh) đánh bằng chổi chà. Lúc tập, đạo diễn Lê Cung Bắc dặn kỹ là khi nào tôi lùi khỏi màn hình thì "Bà Hội đồng" chỉ cần đánh vào không khí thôi, dè đâu cô Trinh quá sung nên tôi lãnh đủ trận đòn thiệt. Sau phim này, hình ảnh bà mẹ chồng độc ác của cô Tú Trinh cũng trở thành biểu tượng của phim ảnh Việt.
Còn một cảnh quay khác cũng làm tôi sợ hãi không kém là lúc Bạch Cúc bị bố chồng đánh bằng roi mây khi có bầu một tháng. Tôi được độn thùng các tông dưới eo và bạn diễn được dặn chỉ đánh đúng phần này thôi. Nhưng đến khi diễn, chú cũng quên mất và xuống roi tới tấp. Tôi nhớ rõ mình đang tập trung để nước mắt chảy ra thì sau làn roi đầu tiên đã òa lên vì đau đớn. Đã vậy, đạo diễn thấy thật quá còn lệnh cho camera quay cận cảnh mặt tôi. Đến mấy ngày sau, tôi không thể đi nổi, mông và vai đều chi chít những vết roi. Cả đoàn vây quanh tôi xin lỗi, nhưng ai cũng công nhận những cảnh đó xúc động và căng thẳng đến nỗi không dám can. Còn khi lên phim, khán giả xuýt xoa khen tôi "diễn mà y như bị đánh thật".
- Sự nghiệp và cuộc sống của chị thay đổi thế nào từ sau phim này?
- Người đẹp Tây Đô là một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam. Nhờ sức hút của nó, tôi nhanh chóng trở thành cái tên đại chúng. Có hôm, tôi đạp xe chạy lòng vòng mấy ngã tư chỉ để tận hưởng cảm giác người ta í ới gọi mình là "người đẹp Tây Đô" hay "mợ Hai". Cũng chính hiệu ứng từ phim, tôi được bầu show mời đi hát, giao lưu ở nhiều tỉnh thành. Nghĩ lại, tôi thấy mình thật liều vì hát có hay đâu. Trước một rừng khán giả Hà Nội, tôi hát một mạch bảy bài nhưng rồi khán giả vẫn muốn nghe thêm nữa, đến bài thứ tám tôi phải hát Cháu lên ba. Mà hoa thì nhiều vô kể, ngày nào diễn tôi cũng chở về cả trăm bó hoa.
Năm 1996 là lúc qua thời huy hoàng của xu hướng phim điện ảnh "mỳ ăn liền". Tôi và những đồng nghiệp khác như Lý Hùng, Diễm Hương... đều có những bước chững lại trong sự nghiệp. Bên cạnh đó, không phủ nhận tôi cũng bị bệnh "ngôi sao", hay đi trễ về sớm nên ít có đạo diễn dám mời. Ban đầu, nhà sản xuất kiên quyết lắc đầu khi đạo diễn chọn tôi. Chỉ khi đích thân tôi đến gặp và hứa sẽ chấp hành nghiêm chỉnh về giờ giấc, họ mới chịu ký hợp đồng. Đó cũng là bài học đắt giá cho tôi về đạo đức nghề nghiệp sau khi những vinh quang đầu đời đến quá nhanh.
- Đã bao lần chị nuối tiếc khi phải rời bỏ nghiệp diễn đang trong thời kỳ huy hoàng vì những scandal về đời tư?
- Người ta bảo một diễn viên chỉ cần một bộ phim để đời là đủ. Tôi may mắn có được tới ba phim là Ngọc trong đá, Xương rồng đen và Người đẹp Tây Đô. Thật lòng, sau vai Bạch Cúc, tôi không "thừa thắng xông lên" mà ngược lại rất kén chọn phim, vì cảm thấy vai nào cũng không vượt qua được cái bóng quá lớn này. Còn trong giai đoạn giông bão của cuộc đời, tôi chỉ ước mình chưa từng nổi tiếng, bởi "chữ tài gắn với chữ tai một vần". Sau này, tôi có nói với các đạo diễn là không đóng những vai đau khổ, khóc nhiều nữa. Đời tôi khóc nhiều trong phim lẫn ngoài đời cũng mệt rồi.
Ai đó nói rất đúng: "Khi lên đến đỉnh núi phải tìm đường đi xuống". Tôi nghĩ tre già, măng mọc là quy luật rồi, không thể ôm ấp mãi thời vàng son để mà nuối tiếc, để đặt những câu hỏi "giá như". Nếu không trải qua scandal, chắc gì tôi đã có được sự an nhiên tuyệt đối trong lòng như bây giờ. Nhiều người hỏi tôi làm đạo diễn phim có phải để níu kéo sự nổi tiếng của ngày trước, tôi khẳng định luôn bây giờ có làm diễn viên hay đạo diễn cũng không thể nổi tiếng được như thời Người đẹp Tây Đô. Mà đã biết vậy thì níu kéo để làm gì cho nhọc lòng?
- Thời của "Người đẹp Tây Đô", điều kiện làm phim còn nhiều khó khăn nhưng thành công vẫn rất lớn. Theo chị đâu là lý do?
- Vì các diễn viên thời đó đoàn kết, tâm huyết và sống hết mình với vai diễn. Chẳng hạn để vào vai cô Mạ trong phim Xương rồng đen, tôi phải rời Sài Gòn ba tuần trước khi phim bấm máy để sống cùng người địa phương, xem các cô gái Chăm đội nước thế nào, đi đứng, hát múa ra sao. Có như vậy khi vào những cảnh đầu, mình mới không bị gượng. Phim Người đẹp Tây Đô cũng vậy, dàn diễn viên đều học thoại rất nghiêm túc nên nhập vai dễ dàng. Khi quay phim, tôi còn được cô Lâm Thị Phấn dạy diễn cảnh này, cảnh kia thế nào cho đúng tinh thần một nhân vật lịch sử.
Bây giờ là thời buổi làm phim công nghiệp. Máy móc, thiết bị tốt hơn nhưng diễn viên vướng bận quá nhiều việc riêng, ít có cơ hội sống trong vai diễn của mình thật sự. Nói ra điều này các diễn viên trẻ đừng giận, tôi làm đạo diễn mới thấy điều đáng buồn là các em quên kịch bản nhiều lắm. Nhiều em lên phim trường mới giở cuốn kịch bản ra đọc vội trước khi vào cảnh. Chưa kể, với áp lực từ nhà sản xuất, đạo diễn chúng tôi bị ép chỉ tiêu quay một tập phim trong một, hai ngày.
- Là một đạo diễn, chị làm thế nào để giải quyết tình trạng chung?
- Khi là diễn viên, áp lực của tôi đơn giản là học thoại, nhập vai tốt. Còn làm đạo diễn, tôi phải chịu rất nhiều trách nhiệm để bảo đảm phim ra mắt đúng tiến độ, nhà sản xuất không bị lỗ vốn. Nói là thời nay chi phí đầu tư cho phim nhiều, nhưng cũng chỉ gói gọn khoảng 180-200 triệu đồng cho các khâu mỗi tập, gồm cả cát-xê. Vì vậy, tôi càng phải cố gắng để giữ được nếp cũ khi làm phim trong thời công nghiệp. Tôi yêu cầu diễn viên học kỹ kịch bản và giảm tối đa những hành động, lời thoại sống sượng.
Ở trường quay, tôi nghiêm khắc với diễn viên nhưng cũng phải hỗ trợ cho họ hết lòng. Chẳng hạn, trong phim Tìm chồng cho vợ tôi, tôi rất khó chịu khi thấy hai diễn viên chính đi lại trong phòng ngủ của mình mà cứ như ở trong khách sạn. Tôi ra lệnh khóa cửa phòng "nhốt" họ một tiếng để cả hai có thời gian hòa vào vai diễn. Không ít lần xảy ra bất hòa với diễn viên vì sự cầu toàn này, nhưng tôi tin rằng các em rồi sẽ hiểu cho mình.
Vân An thực hiện