Thứ bảy, 11/1/2025
Thứ tư, 10/2/2021, 07:11 (GMT+7)

Viết thư pháp lên quả bầu hồ lô

Khánh HòaChị Nguyễn Thị Ngọc Thoa ở Nha Trang vẽ, tạo hình và viết thư pháp 3.254 câu thơ lục bát trong Truyện Kiều lên 542 quả bầu hồ lô.

5 năm làm việc trong ngân hàng ở TP HCM với vai trò nhân viên tín dụng, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Thoa lại thích thư pháp. Mỗi lúc rảnh, chị đi học vẽ tranh thủy mặc.

"Làm một công việc đã lâu nhưng càng ngày tôi cảm thấy như đó là một cách kiếm tiền miễn cưỡng mà mình không đam mê", chị nói. Cuối năm 2012, chị đã quyết định thôi việc, rồi về sống cùng bố mẹ ở Nha Trang.

Chị sau đó vào làng nghề Trường Sơn làm việc và dành nhiều thời gian để vẽ tranh, khắc hoa văn cũng như viết thư pháp lên từng bầu hồ lô.

Kim Thoa cho biết, khi nhìn thấy vườn bầu hồ lô tại làng trĩu quả, nhưng không bán hay để làm thức ăn mà phơi khô, chị nảy ra ý tưởng tạo ra những sản phẩm lên đó. Cô lên mạng tìm hiểu, rồi bắt đầu thực hiện.

Để có những trái bầu chất lượng tốt, phù hợp với vẽ tranh hay viết thư pháp hoặc khắc hoa văn, chị phải phơi nắng lần đầu 6-12 tháng. Sau đó, lớp vỏ được làm bóng, khoang lỗ dưới đáy lấy ruột ra.

Theo chị Thoa, việc lấy ruột bầu ra, làm sạch bên trong để không bị mối mọt, bảo quản được lâu.

Một trái bầu sau khi lấy ruột thì trọng lượng 200-300 gram và lớp vỏ khá mỏng, chỉ vài cm. Sau đó, chúng được mang đi phơi nắng lần hai 3-4 ngày.

Sau khi chà bóng, chị Thoa dùng cọ lông và mực tàu vẽ. Tùy kích thước mỗi trái, chị có thể viết được từ một câu ca dao tới một khổ thơ lục bát.

"Trái bầu hình tròn nên khi viết phải phân khổ làm sao những câu thơ vừa đều và cho mọi người nhìn vào có thể phân ra từng cặp câu lục bát", chị nói việc chia tỷ lệ theo kích thước từng trái lớn, nhỏ.

Tùy thuộc vào độ khó, như tô bóng, chuyển màu hoặc thư pháp dài, ngắn... mà mỗi trái có thời gian hoàn thiện khác nhau. Có trái hoàn thiện trong vài tiếng, song có những tác phẩm mất 2-3 ngày mới xong.

Một con chim, xung quanh là những cánh hoa hướng dương được chị Thoa vẽ lên trái bầu hồ lô.

Ban đầu chị Thoa viết thư pháp để thỏa đam mê. Lâu dần, chị nghĩ đến việc tạo những sản gần gũi với đời sống như bình cắm hoa, đèn bàn ăn, đèn ngủ... Ngoài ra, chị cũng tạo hình quả bầu thành con rùa nhỏ.

Bộ sưu tập viết thư pháp Truyện Kiều trên quả bầu hồ lô là một trong những tác phẩm chị ưng ý nhất.

Chị Thoa dành hơn 3 tháng để viết 3.254 câu thơ lục bát trong Truyền Kiều của tác giả Nguyễn Du lên 542 quả bầu rồi kết nối với nhau, tạo thành "quả bầu hồ lô khổng lồ".

Bộ sưu tập cao 4,5 m gồm 8 vòng treo trên không. Vòng tròn có đường kính lớn nhất 3 m, gồm 116 quả bầu nhỏ, được chia đều và treo thành 2 tầng so le (mỗi tầng có 58 quả). Còn vòng tròn nhỏ 0,3 m với 15 quả.

Ở giữa chị để hình nhân vật trong tác phẩm của Truyện Kiều để tạo điểm nhấn.

Chủ nhân giới thiệu những câu thơ lục bát trong Truyện Kiều được viết lên quả bầu.

Sau 5 năm, chị Thoa đã viết thư pháp, vẽ tranh và tạo văn hoa lên gần 1.000 quả bầu. Tuy nhiên, làng nghề vẫn chưa bán mà đang trưng bày để du khách chiêm ngưỡng.

Nhiều người khi vào làng nghề tỏ ra thích thú, tìm hiểu cách làm, chụp hình lưu niệm.

Bộ sưu tập của chị Thoa đạt kỷ lục Việt Nam khi có số lượng bầu hồ lô viết bằng thư pháp Truyện Kiều nhiều nhất.

Viết thư pháp trên bầu hồ lô
 
 

Video: Xuân Ngọc - Thanh Nhàn

Xuân Ngọc