Trước năm 1975, Phan Khoang là tên tuổi quen thuộc với giới sử học và bạn đọc. Nhiều tác phẩm của ông thường được tham khảo, trích dẫn, trong đó phải kể đến cuốn Việt Sử: Xứ Đàng Trong (1558-1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam do Nhà xuất bản Khai Trí (Sài Gòn) ấn hành năm 1969.
Mới đây, Nhà xuất bản Khoa học xã hội phối hợp Khai Tâm Books và gia đình cố sử gia tái bản cuốn sách sau 47 năm. Tác phẩm được in lại trên cơ sở tôn trọng tối đa giá trị lịch sử của văn bản gốc.
Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng nói trong lời giới thiệu sách: "Viết về lịch sử xứ Đàng Trong, nhà sử học không chỉ đụng đến lịch sử cuộc Nam tiến hào hùng, đẫm mồ hôi nước mắt của những người con dân Việt can đảm và khai phóng, mà còn đề cập đến lịch sử của vương quốc Chăm Pa, vấn đề Chân Lạp… - những thách đố với giới sử học lúc đó và cả ngày hôm nay".
Ngoài việc trình bày chi tiết phả hệ các chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phước Thuần và các chúa Nguyễn tiếp theo, Phan Khoang còn dụng công mô tả "tổ chức chính quyền các chế độ", từ bộ máy chính quyền, tổ chức quân đội, chế độ quân điền, thuế khóa đến nền giáo dục thi cử, tiền tệ, đo lường, pháp luật. Tác giả cũng chú ý đặc biệt đến lĩnh vực ngoại giao, giao thương của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong với các nước Đông Á, châu Âu.
Một điểm nhấn khác cũng được tác giả lưu ý là hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây ngày càng mạnh mẽ ở xứ Đàng Trong. Ông viết: "Các chúa Nguyễn không quá cứng rắn với các giáo sĩ là vì muốn tiếp xúc với nền văn minh mới, lợi dụng khoa học Tây phương" (trích sách Việt sử xứ Đàng Trong: Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, 1558-1777).
Phan Khoang (1906-1971) là nhà sử học, nhà giáo và nhà báo. Ông sinh ra trong gia đình nhà nho ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Cha ông là Tiến sĩ Phan Quang. Thuở nhỏ, ông học ở Huế, sau đó làm công chức ngành bưu điện, rồi chuyển sang ngành công chánh và làm quan thuế. Từ năm 1940 ông dạy học tại Trung học Chấn Thanh (Đà Nẵng), trường Phan Châu Trinh (Hội An)...
Từ năm 1963, ông được mời giảng dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Huế về văn chương Việt Hán và Việt sử. Ông viết bài cho Tập san Sử Địa - một tạp chí uy tín về sử học thời kỳ đó - cùng các tên tuổi như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Văn Sơn. Ông có các tác phẩm đã xuất bản như Việt - Pháp bang giao sử lược (Nhà in Nguyễn Văn Bửu, Huế, 1950), Việt Nam Pháp thuộc sử (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1961)...