Ca sĩ Việt Quang qua đời sáng 12/8 tại TP HCM sau thời gian mắc bệnh viêm phổi. Nhiều đồng nghiệp cho biết họ sững sờ khi nhận tin buồn, vì chỉ hai tháng trước, giọng ca 44 tuổi lạc quan cho biết hồi phục phần nào, mong sớm đi hát trở lại.
Hơn 20 năm làm nghề, Việt Quang là một trong những giọng ca nam sáng giá của làng nhạc thập niên 2000. Theo học trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM (chung khóa với diễn viên Thái Hòa), giấc mơ ca hát theo anh từ thời sinh viên. Một lần tập kịch, anh ngân nga vài câu và được bạn bè động viên nên làm ca sĩ. Từ đó, anh luyện giọng mọi lúc, mọi nơi, gom góp mua một dàn máy karaoke về tập.
Đường vào nghề của Việt Quang nhiều chật vật. Thời gian dài, anh không có cơ hội thu album đầu tay. Một lần, được mời hát ở một chương trình lớn, háo hức, anh hủy chuyến du lịch nước ngoài với người thân, ngồi ở nhà chờ đến ngày chạy chương trình. Sát buổi diễn, anh gọi điện thoại hỏi thì nhận được tin tiết mục anh bị cắt không lý do. Về nhà, anh vẫn nói người thân mình được hát để gia đình yên tâm. Anh kiên trì làm việc và những lời mời đi sô cũng dần đến với mức cát-xê chỉ khoảng 100 nghìn đồng một buổi.
Giai đoạn đầu, anh nuôi đam mê bằng những ca khúc tiếng Anh trong các buổi hát phục vụ du khách nước ngoài. Anh từng nói về cảm xúc lần đầu trình diễn nhạc phẩm I swear (All 4 one) trước nhiều khách Tây ở khách sạn Caravelle. Khi đó, ca sĩ hồi hộp vì sợ sai sót. Tiết mục vừa kết thúc, những tràng pháo tay vang lên. Khán giả ngạc nhiên bởi chất giọng mái cao vút, giàu trữ tình của Việt Quang - khác đa số giọng ca nam thời bấy giờ. "Thời đó, Quang hay hát những bài của The Bee Gees. Giọng mũi cao vút và tràn đầy nhựa sống", nhà thơ Bùi Thanh Tuấn - một người quen của cố ca sĩ - nhận xét.
Đạo diễn Quang Huy biết đến Việt Quang vào năm 1998 khi ca sĩ hát lại loạt hit của nhóm Michael Learns to Rock. Anh vẫn giữ ấn tượng về cách Việt Quang ngồi giữa sân khấu cùng ban nhạc toàn người nước ngoài, tự tin trò chuyện với khán giả. Quang Huy nói: "Lúc đó, tôi mời Việt Quang vào công ty giải trí của mình vì Quang là hình mẫu tôi muốn có: một giọng pop rất tình cảm, cách xử lý ca khúc mới mẻ". Tuy vậy, Việt Quang từ chối lời mời vì muốn theo đuổi con đường ca hát tự do.
Việt Quang gặt hái trái ngọt đầu tiên với album Vẫn mãi yêu em năm 2001. Trong đĩa nhạc trình làng, anh thể hiện thế mạnh pop ballad cùng một số ca khúc nhạc dance giàu tiết tấu - xu hướng được ưa chuộng bấy giờ, như Về đây, Vẫn yêu dại khờ... Sau ba tuần, 5.000 CD được bán hết và liên tục tái bản. Gây ấn tượng bởi gương mặt sáng, mái tóc rẽ ngôi, anh được so sánh với Đan Trường, ngôi sao làng nhạc thuở ấy.
Những bản hit liên tiếp ra mắt, giúp Việt Quang bước vào hàng ngũ nam ca sĩ được yêu thích nhất nửa đầu thập niên 2000. Thừa thắng xông lên, anh tiếp tục giới thiệu các album Vẫn mãi yêu em Vol 2, Vol 3... Trong đó, ca khúc Tình ơi (Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác) trở thành một trong những nhạc phẩm đóng dấu tên tuổi Việt Quang, thường được anh chọn biểu diễn ở các sân khấu lớn. Những năm 2001 - 2006, một đêm, Việt Quang có thể chạy show sáu, bảy tụ điểm ở Sài Gòn với mức cát-xê 20-30 triệu đồng mỗi sô.
Sau một thời gian đình đám, anh liên tiếp gặp biến cố. Cuối năm 2008, anh dần rút khỏi làng giải trí. Trong chương trình Vang bóng một thời năm 2020, ca sĩ cho biết giai đoạn đó giọng hát của anh xuống dốc. Do chủ quan, anh không tìm cách bảo vệ chất giọng, tự tin thanh quản sẽ phục hồi sau những đợt liên tiếp chạy show ở nước ngoài. Khi người thân khuyên đi khám, anh từ chối vì sợ khán giả đồn đoán. Sáu tháng sau, anh mất giọng hoàn toàn, không còn hát được những nốt cao, không thể giao tiếp thông thường.
Giọng hát bị tổn thương, anh chuyển sang nghề bất động sản. Thời gian đầu, anh kinh doanh thành công, về sau dần thua lỗ và phá sản. Suy sụp tinh thần, anh từng suy nghĩ tiêu cực, song nhờ mẹ và nhiều người thân ra sức khuyên nhủ, ca sĩ lấy lại tinh thần. Ra nước ngoài nghỉ dưỡng vài năm, cảm nhận giọng hát phục hồi khoảng 80%, anh về nước, bắt đầu lại sự nghiệp.
Những năm cuối đời, nghị lực làm nghề của Việt Quang khiến đông đảo đồng nghiệp ngưỡng mộ. Anh chấp nhận trở về xuất phát điểm ban đầu, làm lại từ số 0 bởi thị trường âm nhạc đã thay đổi. Ca sĩ Quang Thành - đàn anh thân thiết của Việt Quang - cho biết từng chứng kiến Việt Quang suy sụp bởi những tin đồn vỡ nợ. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, anh lại thấy ca sĩ tươi cười lạc quan: "Ngã ở đâu, em sẽ đứng lên ở đó". Quang Thành nói: "Việt Quang có thể vượt qua mặc cảm, đối diện với những biến cố mà nếu gặp tôi thì chắc tôi đã giải nghệ từ lâu. Với Quang, ca hát đã là hơi thở".
Trước khi mắc bạo bệnh, Việt Quang vẫn tin một ngày anh sẽ trở lại sân khấu thành công. Anh thu âm nhạc phẩm Họa tâm và khoe với gia đình. Chưa kịp phát hành sản phẩm, hồi tháng 4, anh nhập viện điều trị viêm phổi. Trên giường bệnh, anh vẫn ấp ủ ý tưởng hoàn thành ca khúc, sớm ra mắt tặng người hâm mộ trong ngày tái ngộ.
Hay tin Việt Quang qua đời, nhiều khán giả cùng ôn ký ức nhạc Việt một thời với giọng ca họ yêu thích suốt thuở thanh xuân. Trên VnExpress, độc giả Jangdongsuk3979 viết: "Anh đã ký tặng tôi trên chiếc áo, lúc đó tôi chỉ 19-20 tuổi. Cầu mong anh ra đi nơi thiên đàng được vui vẻ". Bạn đọc Tulip gửi đôi dòng tiễn biệt: "Vài dòng thơ thay lời từ giã/ Tiễn anh đi buồn bã ưu sầu/ Nếu mà có được kiếp sau/ Mong anh lại bắc nhịp cầu... Về đây".
Tam Kỳ