Sau bài viết "Bí thư Sóc Sơn: Nói phá Việt phủ Thành Chương là vô cảm", VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của độc giả. Ông Phạm Xuân Phương cho rằng "đây là công trình hiếm về văn hoá Việt cổ, cần có cơ chế để thành điểm du lịch tâm linh hợp pháp". Còn nhà ca sĩ Mỹ Linh đã được cấp sổ đỏ cho 400 m2 đất làm nhà ở, 200 m2 đất trồng cây ăn quả, còn lại 11.600 m2 vẫn là đất rừng. Nhưng hiện nay công trình đã xây dựng với tổng diện tích 538,6 m2, vượt hơn 138 m2. Cơ quan thanh tra đang xác minh việc cấp sổ đỏ cũng như các vấn đề liên quan, sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.
Nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm của Bí thư huyện Sóc Sơn, vì đây là những công trình sai phạm và cần phải cưỡng chế theo luật. "Sai thì phải xử lý theo pháp luật. Đẹp mà sai thì không có gì là đẹp", độc giả Long Vũ viết. Còn bạn đọc Son Hoang chất vấn: "Ông Phương nói phá Việt phủ Thành Chương là vô cảm, vậy phá rừng phòng hộ tràn lan để xây nhà thì có "vô cảm" không?".
Trước đó (năm 2013), kết luận thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chỉ rõ gia đình ca sĩ Mỹ Linh đã xây nhà trái phép tại xã Minh Phú; Việt Phủ Thành Chương được xây dựng trên khu đất có nguồn gốc là đất rừng đặc dụng.
Cùng quan điểm, độc giả Ngan Kim cho rằng, không thể lấy lý do đây là công trình đặc biệt hiếm có, nhiều khách viếng thăm mà hợp thức hóa cho sự vi phạm: "Chúng ta phải nhìn rõ vấn đề ở đây là xây dựng trái phép ở khu rừng đặc dụng - tài sản của Quốc gia. Việc nào ra việc ấy, sai phạm đất đai thì xử lý lỗi này, còn mục đích văn hóa thì xin cấp hoặc mua đất nơi khác để thực hiện. Chúng ta không nên đánh đồng hai sự việc này".
Bên cạnh đó, một số ý kiến ủng hộ quan điểm của Bí thư huyện Sóc Sơn, cho rằng chính quyền nên xem xét về việc tháo dỡ Việt phủ Thành Chương, vì đây là một công trình rất đẹp. Bạn đọc Nam Tạ đã từng đến Việt phủ cho biết: "Việt phủ y như một bức tranh nông thôn xưa. Ở đấy cây cối, nhà cửa hài hoà không phá hỏng thiên nhiên, quanh đó vẫn là khu dân cư bình thường. Trước kia chỉ là cái đồi chứ cũng chẳng phải là rừng gì cả, chưa kể rất đông khách nước ngoài tới đây thăm quan. Chính quyền nên có cơ chế đặc thù riêng để bảo tồn nó vì mục đích hoàn toàn hướng đến văn hoá dân tộc chứ chẳng phải vì lợi riêng".
"Tôi cũng đã đến thăm Việt phủ Thành Chương. Quả thực, đó là một công trình nghệ thuật rất độc đáo, hiếm có. Tôi nghĩ, nếu chiếu theo luật mà yêu cầu phá dỡ thì đất rừng cũng chẳng thêm được bao mét, ngược lại cả một công trình văn hóa vô cùng giá trị bị đập bỏ. Tôi chính quyền nên tạo cơ chế đặc biệt để Việt phủ được tồn tại, tạo nguồn thu cho ngân sách... đó sẽ là một địa điểm du lịch ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế", độc giả nick name Xanh hóa hành tinh chia sẻ.
Nhiều ý kiến khác nhau, nhưng điều người dân mong chờ nhất là luật pháp được thực thi thế nào. "Đã là luật thì phải được tôn trọng. Xã hội văn minh là tôn trọng luật pháp." - độc giả Nguyen Viet Anh khẳng định.
Giữa tháng 10/2018, Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Cuối tháng 11/2018, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn, báo cáo phải thực hiện trước ngày 15/12.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn Sóc Sơn; đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/2/2019.
Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.