![]() |
Thị trưởng thành phố Brest, Francois Cuillandre phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh tác giả cung cấp. |
Đó là nhận định chung của cả Pháp và Việt Nam trong Hội nghị thứ 9 về Hợp tác phi tập trung Pháp-Việt, diễn ra từ 9/6 đến 12/6 tại thành phố Brest, vùng Bretagne, Pháp.
Bắt nguồn từ việc hợp tác hữu nghị, kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp từ thập kỷ 90, mô hình này đã được mở rộng và phát triển trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai nước cũng như hợp tác đa phương trong khối Pháp ngữ.
Tính đến nay, có 20 địa phương của Pháp đã tham gia hợp tác tại 15 tỉnh, thành Việt Nam, trong 73 dự án thuộc 12 lĩnh vực. Các dự án thường có quy mô vừa và nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, giáo dục, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích, đào tạo… Pháp hiện cũng là nước có nhiều dự án hợp tác cấp địa phương nhất với Việt Nam, với tổng số hơn 230 dự án phát triển đã và đang được triển khai.
Thứ trưởng bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết, loại hình hợp tác này là mô hình hợp tác địa phương duy nhất mà Việt Nam hiện có với các đối tác nước ngoài. Sự linh hoạt, hiệu quả của mô hình này sẽ giúp các địa phương hai bên chủ động hơn trong việc xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy giao lưu Việt - Pháp.
Thị trưởng thành phố và chủ tịch đô thị đại dương Brest, ông Francois Cuillandre, cho biết: “Chúng tôi đã có sự hợp tác rất hiệu quả với thành phố Hải Phòng. Việc phát triển hơn nữa những dự án hợp tác phi tập trung giữa Brest với các địa phương Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những ưu tiên lớn trong tương lai của chúng tôi”.
Ông Cuillandre cũng cho hay, một đoàn đại biểu của Brest và vùng Bretagne sẽ sang Việt Nam để triển khai thêm các dự án hợp tác ngay sau hội nghị.
Tuy nhiên, nhiều đại diện của hai nước bày tỏ rằng, sau một thời gian dài hợp tác, đã đến lúc hai bên phải định hình một mô hình hợp tác với các tiêu chuẩn mới.
Điều này xuất phát từ việc hiện vẫn chưa có nhiều các dự án hợp tác kinh tế lớn. Hiện nay, 56% các dự án là tập trung vào các lĩnh vực như văn hóa, du lịch, đào tạo, y tế, nước sạch…, và các dự án cũng thường chỉ được triển khai ở một số địa phương lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM hay Hải Phòng… mà chưa có nhiều dự án ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
“Một điều đáng chú ý nữa, đó là các hợp tác đã chuyển sang hình thức mới, hai bên cùng có lợi, thay cho các dự án hỗ trợ như trong quá khứ. Các đối tác Pháp giờ chú trọng hơn đến đào tạo kỹ năng quản trị, trao đổi công nghệ, trong khi một số địa phương Việt Nam vẫn trông chờ nhiều vào hỗ trợ phát triển”, bà Nguyễn Bích Việt, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết.
Dự kiến trong 3 ngày diễn ra hội nghị, các địa phương Pháp và Việt Nam sẽ có nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi trực tiếp để tìm ra hướng hợp tác mới.
Sẽ có 6 cuộc hội thảo chính thức về 3 chủ đề chính, gồm: “Giáo dục đào tạo, đào tạo đại học, y tế và văn hóa trong không gian Pháp ngữ”; “Quy hoạch và phát triển đô thị và nông thôn”, “Chính quyền địa phương trước những thách thức kinh tế”.
16 địa phương của Việt Nam đã cử đoàn tham dự Hội nghị lần này, gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Điện Biên, Đồng Nai, Hải Dương, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Lâm Đồng, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang và Yên Bái.
Về phía Pháp, có sự tham gia của các chính quyền địa phương các vùng Bretagne, Toulouse, Aquitaine, Ile-de-France hay Rhône Alpes.
Quang Dũng (từ Bretagne)