Trong tòa nhà trước đây là một trung tâm thương mại, các "giai nhân" đứng, ngồi lố nhố trước cửa từng ki-ốt. Cô nào ăn mặc cũng hết sức "mát mẻ": áo khoét sâu cổ, váy ngắn cũn cỡn. Các cô cũng nói tiếng Trung Quốc như gió nên nhiều khách Việt Nam từng bị các giai nhân người Việt lừa, đành cắn răng trả cao hơn “mặt bằng” ở chợ 100 nhân dân tệ.
Các biển hiệu ở đây cũng đề cả 2 thứ chữ Việt Nam và Trung Quốc. Có nhiều nơi treo biển "cắt tóc, gội đầu", nơi "khám - chữa bệnh", "tẩm quất - thư giãn"... nhưng bên trong tất cả đều như nhau. Phòng nào cũng rộng khoảng 15 m2, có công trình phụ khép kín, 1 tấm gương lớn gắn trên tường, 1 chiếc giường nhỏ, 1 bàn trang điểm với đầy đủ lược, máy sấy tóc, lô cuốn...
Điều đáng được chú ý nhất là một chiếc hộp không đậy nắp chứa đầy bao cao su Trung Quốc. Một thứ không thể thiếu nữa trong những ki-ốt này là chiếc cassette rẻ tiền, cáu bẩn và dăm ba cuộn băng. Nó được bật hết công suất khi có khách, để tránh... “làm ồn" cho chợ. Một vài ki-ốt còn trang bị cả TV và đầu VCD. Khách có nhu cầu sẽ được xem phim mát trước khi “nhập cuộc".
Xen lẫn giữa các giai nhân là những tay bảo kê, đầu nhẵn thín, chân tay vạm vỡ với những hình xăm chằng chịt. Chúng sẵn sàng "chiến đấu” với những khách nào có hiện tượng ăn quỵt hoặc không có ý định "chơi". Ai đã vào phòng rồi mà quay ra, không làm gì cũng mất 60.000 đồng... qua cửa. Chẳng những thế, khách còn bị chủ ki-ốt lẽo đẽo đi theo đốt vía đến khi nào rời khỏi chợ.
Ăn theo chợ này là các dịch vụ cho “chuyện ấy”. Người ta bán đủ các loại từ những bao cao su "hiểm" tới các loại thuốc kích dục, tráng dương uống hoặc xịt, "đồ chơi”.
Khác với trong chợ, khách thoải mái ngắm nghía, cầm xem và nếu không mua cũng chẳng sao. Nhiều "giai nhân” còn tiếp thị cho những cửa hàng này bằng cách khéo léo đề nghị khách mua dùng thử.
Số người Việt Nam hành nghề lái taxi bên đất Đông Hưng (Trung Quốc) khá đông. Họ là những cư dân biên giới có giấy thông hành qua lại đường biên và quan trọng hơn cả là nói rành hai thứ tiếng Trung Quốc phổ thông và tiếng Vạc Và (ngôn ngữ chủ yếu của vùng Đông Hưng). Cứ đến giờ “mở khẩu” (7h sáng), họ lại qua cửa khẩu Bắc Luân, đến hãng nhận xe và rong ruổi đón khách. Chiều, họ trả xe, quay về Việt Nam trước khi “đóng khẩu" (7h tối). Theo tài xế Trần Văn Hùng, khách đi xe chủ yếu là du khách Việt Nam, họ sang Đông Hưng mua hàng và đi chợ... người.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)