Số tiền này sẽ được Việt Nam dành cho chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19 khoảng 50 tỷ yen, 21 tỷ yen còn lại cho dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương cùng dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay cũng hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Hiroshima, Nhật Bản. Đây là hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 giữa hai người đồng cấp trong hơn một năm qua.
Nhật Bản là nước cung cấp các khoản vay ưu đãi ODA lớn nhất cho Việt Nam, với khoảng 2.980 tỷ yen (21,6 tỷ USD), gồm ODA vốn vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ hợp tác kỹ thuật từ năm 1992. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.
Hai Thủ tướng cho biết thời gian tới hai nước sẽ trao đổi về khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và y tế. Các khoản vay này sẽ có ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn so với trước.
Hiện một số dự án hợp tác ODA chậm tiến độ, như Bệnh viện Chợ Rẫy 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy tiến độ các dự án này, đảm bảo đồng vốn đầu tư hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo Nhật Bản thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo.
Ông cũng đề nghị chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực và tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam, để thúc đẩy hợp tác du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam tại Nhật.
Thủ tướng Kishida khẳng định Việt Nam có vị thế quan trọng hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực.
Hai lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh và tăng liên kết hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại. Hai bên cũng khẳng định phối hợp lập trường trong các vấn đề cùng quan tâm trên các diễn đàn đa phương, khu vực như ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 ngày 20-21/5, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời, bên cạnh Indonesia.
G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.
2023 là năm Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước phát triển toàn diện thời gian qua. Nhật là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Quốc gia này là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái đạt gần 50 tỷ USD, tăng so với mức 42,7 tỷ USD năm 2021. Ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 11 tỷ USD.
Về đầu tư trực tiếp, Nhật đứng thứ 3 trong 143 quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam. Lũy kế đến cuối tháng 3, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 5.050 dự án FDI, tổng vốn gần 70 tỷ USD.