Nụ cười rạng rỡ của người hâm mộ Nha Trang khi Việt Nam đánh bại Qatar ngày 23/1 để lần đầu tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Việt Nam xếp thứ 95, sau nước láng giềng Trung Quốc (86) hay một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan (46), Philippines (71). 4 quốc gia đầu bảng đều là các nước Bắc Âu, khi Phần Lan vượt qua Na Uy trở thành quốc gia xếp thứ nhất, tiếp theo là Na Uy, Đan Mạch và Iceland, theo Guardian.
Báo cáo do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố hôm nay. Bảng xếp hạng dựa trên 6 yếu tố: tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng.
Phần Lan, quốc gia với 5,5 triệu dân mà chỉ 150 năm trước đây từng trải qua nạn đói cuối cùng của châu Âu, được xếp hạng là đất nước ổn định nhất, an toàn nhất, chính phủ điều hành tốt nhất thế giới. Phần Lan cũng có tỉ lệ tham nhũng thấp nhất, xã hội tiến bộ nhất, cảnh sát và hệ thống ngân hàng đáng tin cậy nhất. Lần đầu tiên Liên Hợp Quốc kiểm tra độ hạnh phúc của người nhập cư ở mỗi đất nước và Phần Lan cũng có điểm cao nhất.
Hồ Vuohijärvi ở Phần Lan. Ảnh: Alamy. |
Quốc gia có chỉ số hạnh phúc giảm lớn nhất là Venezuela. Còn Burundi, đất nước phía đông châu Phi, là quốc gia ít hạnh phúc nhất do xung đột sắc tộc, nội chiến kéo dài và đảo chính. Đáng chú ý là 5 quốc gia châu Phi khác gồm Rwanda, Yemen, Tanzania, Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi có báo cáo hạnh phúc thấp hơn cả Syria (150).
Báo cáo năm nay dành một chương đặc biệt giải thích tại sao Mỹ dù GDP cao hơn nhưng chỉ số hạnh phúc lại thấp hơn, sụt 4 bậc so với năm ngoái, xuống vị trí thứ 18. Báo cáo ghi nhận "hệ thống chính trị xã hội" ở Mỹ tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập lớn hơn những nước giàu khác, cùng với các yếu tố khác như những khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng là những yếu tố chính khiến chỉ số hạnh phúc giảm.
"Mỹ đang ở trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng phức tạp và xấu đi, liên quan tới các bệnh béo phì, lạm dụng chất gây nghiện và trầm cảm", Jeffrey Sachs, giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững ở đại học Colombia, một trong những tác giả của báo cáo, nhận xét.
"Việc Phần Lan đạt điểm cao nhất trong báo cáo năm nay rất đáng ghi nhận", Meik Wiking, chuyên gia Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Đan Mạch nhận xét. "GDP đầu người ở Phần Lan thấp hơn các nước láng giềng Bắc Âu và thấp hơn nhiều so với Mỹ. Người Phần Lan rất giỏi trong việc biến giàu có thành thịnh vượng. Ở các nước Bắc Âu nói chung, chúng ta đóng thuế cao nhất thế giới, nhưng vẫn được số đông người dân ủng hộ bởi họ thấy được đó là khoản đầu tư có giá trị vào chất lượng cuộc sống".
"Chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục miễn phí đã đi một con đường dài tiến tới hạnh phúc. Ở những nước Bắc Âu, Bernie Sanders không được coi là người tiến bộ, mà chỉ là một người bình thường", Wiking nói thêm, nhắc tới thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ, ứng viên tranh cử tổng thống năm 2016.
10 nước hạnh phúc nhất thế giới 2018
(Số trong ngoặc là thứ hạng năm 2017)
1. Phần Lan (5)
2. Na Uy(1)
3. Đan Mạch(2)
4. Iceland (3)
5. Thụy Sỹ (4)
6. Hà Lan (6)
7. Canada (7)
8. New Zealand (8)
9. Thụy Điển (10)
10. Australia (9)
10 nước ít hạnh phúc nhất thế giới 2018
147. Malawi (136)
148. Haiti (145)
149. Liberia (148)
150. Syria (152)
151. Rwanda (151)
152. Yemen (146)
153. Tanzania (153)
154. Nam Sudan (147)
155. Cộng hòa Trung Phi (155)
156. Burundi (154)
Hồng Hạnh