Tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong cuộc họp báo chiều nay khi trả lời câu hỏi về thông tin giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 982 được triển khai tới Biển Đông.
Chang An Jian, tài khoản mạng xã hội của Ủy ban Chính pháp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25/9 thông báo về việc triển khai giàn khoan, nhưng không cho biết vị trí cụ thể.
"Việt Nam cho rằng mọi hoạt động ở Biển Đông cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó có việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Giàn khoan Hải dương Thạch du 982 chạy thử trên biển năm 2019. Ảnh: SCMP. |
Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 được bàn giao cho công ty Dịch vụ Mỏ dầu Trung Quốc (COSL) từ tháng 3 năm ngoái, bắt đầu hoạt động hôm 21/9 ở vùng biển có độ sâu 3.000 m. Đây là giàn khoan nước sâu lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc, có thể chịu được sức gió 200 km/h và khoan ở độ sâu tối đa 9.000 m.
Trong họp báo chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết nhóm tàu thăm dò Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn các vi phạm tương tự.
"Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các quyền lợi hợp pháp ở Biển Đông theo các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép", bà Hằng nhấn mạnh.
Việt Anh