Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện được ký vào 28/10 tại thành phố Dubai, UAE, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab, sau hơn một năm hai nước khởi động đàm phán.
Hiệp định CEPA hứa hẹn mang lại lợi ích cân bằng cho hai nước và phù hợp với mong muốn tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam và UAE. Ngoài ra, CEPA còn được kỳ vọng là đòn bẩy cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội thương mại đầu tư tại khu vực Trung Đông.
Theo nội dung CEPA, UAE cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình với 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như tiêu dùng (dệt may, da giày, điện tử), thủy sản hay các sản phẩm từ gỗ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn, mở rộng thị phần tại UAE nhờ ưu đãi thuế từ CEPA.
Các sản phẩm nông sản như hạt điều, hạt tiêu, mật ong cũng sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.
Hiệp định cũng mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ UAE vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, cũng như cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam cam kết đưa thuế về 0% theo lộ trình với 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE. Hiệp định cũng gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư như cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, minh bạch mua sắm Chính phủ, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh.
Tại hội đàm trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã thảo luận và thống nhất về 5 trọng tâm hợp tác trong thời gian tới gồm tăng cường trao đổi đoàn các cấp, triển khai hiệu quả Hiệp định CEPA để tạo đột phá cho trao đổi thương mại, mở cửa thị trường và sớm nâng kim ngạch thương mại song phương trên 10 tỷ USD.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tăng hợp tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, văn hóa, du lịch và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức UAE ngày 27-29/10, trong khuôn khổ chuyến thăm ba nước Trung Đông và dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 ở Arab Saudi ngày 27/10-1/11.
Việt Nam - UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Toàn diện.
Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6% so với 2022.
8 tháng đầu năm nay, thương mại Việt Nam - UAE đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất sang thị trường này 3,85 tỷ USD và nhập về hơn 0,6 tỷ USD.
Ngọc Ánh