Việt Nam hôm 17/11 là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025 tại khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 ở Paris, Pháp, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Với 163/178 phiếu, tương đương gần 92%, đây là lần thứ năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò này.
Việt Nam từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và 2015-2019.
UNESCO là một trong các tổ chức chuyên môn quan trọng của Liên Hợp Quốc, có chức năng thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin - truyền thông. Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11.
![Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn hôm nay, sau khi Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: Bộ Ngoại giao.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/11/18/TTA-0503-1-1-8826-1637238353.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e3Z8qyWXjKDfFngBj2xd9w)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn hôm nay, sau khi Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
"Trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO với số phiếu rất cao khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm nay cho hay. "Trở thành Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO tạo điều kiện cho Việt Nam trực tiếp tham gia quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO".
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, với tư cách thành viên Hội đồng Chấp hành, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực đóng góp vào hoạt động của UNESCO, đặc biệt trong vấn đề được UNESCO và các nước thành viên quan tâm như cải cách UNESCO, xây dựng chính sách và tìm giải pháp bảo vệ, thúc đẩy lợi ích các nước thành viên, đóng góp vào các chương trình trọng tâm của UNESCO hiện nay.
"Đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO, mở ra những không gian phát triển mới cho Việt Nam", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, trong nhiệm kỳ mới, Việt Nam sẽ đóng góp chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông.
Huyền Lê