Báo cáo toàn ngành gỗ năm 2023 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngoài các sản phẩm gỗ chủ lực, gỗ dăm và viên nén đóng góp đáng kể cho ngành này.
Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu gần 14,4 triệu tấn dăm gỗ, đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. So với năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ giảm 8,8% về lượng và giảm 20,4% về giá trị. Tương tự, với viên nén gỗ, nước ta xuất khẩu 4,67 triệu tấn, trị giá gần 700 triệu USD, chiếm 5,2% tổng kim ngạch ngành này.
Hiện, 2 sản phẩm trên xuất đi trên 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc, Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,4% tổng sản lượng và 92,2% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, toàn ngành khai thác được khoảng 19 triệu ster củi (đơn vị tính thể tích của củi). Đây là nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho sản xuất dăm gỗ và viên nén. Ngoài ra, phế phụ phẩm của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ như đầu mẩu, vụn, vỏ bào, mùn cưa... cũng được sử dụng để sản xuất viên nén và dăm gỗ.
Nói với VnExpress trước đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc công ty Danh Mộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho biết từ tháng 8 năm ngoái đến nay, doanh số xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng bình quân 3-5%. Tháng 1, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái và đang trên đà tăng. Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tháng đầu năm đã tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Với mức độ tăng trưởng mạnh như hiện nay, năm nay, Việt Nam có thể đạt 17 tỷ USD", ông Phương nói.
Tương tự, theo các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, nhóm này còn nhiều tiềm năng để phát triển. Viên nén gỗ kim ngạch có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Hồng Châu