"Tuyến y tế huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên cả nước", Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết như trên tại Hội nghị Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới 10/10.
Cụ thể, mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam vẫn còn thiếu về cả số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, trong khi chỉ số trung bình toàn cầu là 1,7, còn các nước thu nhập cao là 8,6. Nhân lực tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng và TP HCM, vùng thiếu nhất là Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Còn điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ đạt 3/100.000 dân, trong khi trung bình toàn cầu là 3,8, các nước thu nhập cao là 29.
Tại Việt Nam, 37 tỉnh thành, phố không có nhân viên tâm lý lâm sàng. Hơn 11.000 trạm y tế xã chỉ cung cấp thuốc miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm, không thể triển khai các dịch vụ như sàng lọc, trị liệu, phòng tái phát hay phục hồi chức năng. Ở khu vực tư nhân, tỷ lệ phòng khám tâm thần cũng ít.
Theo Thứ trưởng Thuấn, nguyên nhân khiến nhân lực ngành tâm thần thiếu là nhiều người không thích lĩnh vực này, trong khi nghề y bác sĩ điều trị tâm thần bị kỳ thị.
Ngoài ra, chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần còn thấp, làm việc vất vả nên việc tuyển dụng nhân lực vào các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần rất khó khăn, đặc biệt là ở tuyến tỉnh.
Thực trạng trên khiến nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm tăng khoảng trống điều trị. Thống kê Bộ Y tế cho thấy chỉ 29% số người bị rối loạn tâm thần và 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Tại Việt Nam, khoảng 15 triệu người mắc rối loạn tâm thần, trong đó hơn 3 triệu trẻ em.
"Đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, chỉ chi khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần", Thứ trưởng Thuấn nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác, cần được chẩn đoán và có thể điều trị. Vì vậy, mỗi người dân cần có nhận thức đúng về rối loạn tâm thần, chống lại sự kỳ thị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị mở rộng bao phủ cung ứng dịch vụ, đồng thời chuyển đổi mô hình lồng ghép, chăm sóc bệnh nhân tâm thần dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực để cải thiện tình trạng thiếu bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc tâm thần. Ví dụ có thể đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng chất lượng theo khung năng lực nghề nghiệp; tăng cường hợp tác viện - trường trong đào tạo...
Mặt khác, nhiều chuyên gia đề nghị cần có cơ chế đặc biệt trong vấn đề lương bổng và các chế độ đãi ngộ cho y bác sĩ tâm thần. Không chỉ tăng mức phụ cấp, bác sĩ chuyên ngành này cần được trả lương cao nhất, có thể gấp 4-5 lần các chuyên ngành như nội, ngoại, sản nhi, da liễu...
Bộ Y tế hiện xây dựng riêng một đề án cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai nhiệm vụ này trong giai đoạn tới.
Lê Nga