Từ đầu năm 2019, liên tiếp các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn đã bị lực lượng chức năng phát hiện tại miền Trung và TP HCM... Tổng lượng hàng thu giữ tới trên 3 tấn ma tuý đá, một tấn heroin và hàng triệu viên ma tuý tổng hợp.
Nêu con số trên vào chiều 8/5 trong cuộc tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đại tá Vũ Văn Hậu (Phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) cho hay đây là số lượng lớn "chưa từng có" tại Việt Nam.
Hiện, nhiều đường dây ma tuý quốc tế đã chọn Việt Nam là điểm trung chuyển. "Chúng tôi đủ hồ sơ chứng minh số ma tuý này được chuyển từ Tam Giác Vàng về để đưa đi nước thứ ba tiêu thụ", ông Hậu nói.
Ma tuý từ Tam Giác Vàng được đưa đến Lào, sau đó vượt biên giới vào Việt Nam. "Hàng" sau khi được tập kết ở Việt Nam sẽ chia một số lượng nhỏ tiêu thụ trong nước; còn lại phần lớn sẽ xuất đi các nước khác trên thế giới.
Theo ông Hậu, tội phạm ma túy quốc tế chọn Việt Nam vì đường biên giới dài, nhiều cảng biển, giao thông kết nối nhanh với các nước. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong đường dây buôn ma tuý "cực khủng xuyên thế giới".
Đồng quan điểm, đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục Phòng chống ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho rằng các trùm ma túy chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển còn do phát hiện có những "lỗ hổng" trong hải quan đường biển.
"Chúng thường trà trộn ma tuý vào hàng rồi chuyển bằng container nên rất khó để lực lượng chức năng kiểm soát. Từng có 276 kg ma tuý lọt qua hải quan cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) để xuất đi Philippines, rất may công an đã kịp thời phối hợp với Philippines bắt giữ thành công", ông Cảnh nói.
Ông Cảnh đánh giá Việt Nam đang phải chịu "áp lực" tiếp nhận ma tuý từ nước ngoài khi một năm khu vực Tam Giác Vàng sản xuất ra khoảng 250 tấn ma tuý đá, 500 tấn heroin, 3 tỷ viên ma tuý tổng hợp; bên cạnh đó nhu cầu trong nước cũng rất lớn.
Nhiều năm về trước những nhóm buôn ma túy người nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam qua biên giới ở tỉnh Sơn La, Hòa Bình. Chúng liều lĩnh trang bị vũ trang, lợi dụng người dân tộc vùng biên để vận chuyển ma túy. Tuy nhiên sau hơn 10 năm mở chiến dịch và cùng Lào truy quét đã đẩy lùi được 70% tội phạm ma túy ở biên giới phía Bắc.
"Khi vùng biên phía Bắc bị đánh mạnh, tội phạm ma túy có xu hướng dịch chuyển về miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên chúng tôi vẫn liên tục mở các đợt trấn áp cao điểm, quyết không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy", đại tá Cảnh nói.
Hiện, lực lượng chức năng đã kiểm soát được tình hình sản xuất ma tuý nhỏ lẻ ở Việt Nam, không phát hiện cơ sở sản xuất lớn.
Theo đại tá Hậu, tội phạm ma tuý là loại tội phạm ẩn, liều lĩnh và cực kỳ lưu manh, sẵn sàng "chiến đấu sống còn" với cảnh sát. Những tên đầu xỏ bị bắt trong các chuyên án lớn vừa qua chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc... Còn trùm của cả đường dây lớn thì ở nước ngoài điều hành, không phải là người Việt Nam nên việc bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đang triển khai nhiều đợt tấn công trên tuyến biên giới Việt - Lào, phối hợp với các lực lượng của nhiều nước triệt phá tội phạm ma tuý. Hai cục này quyết tâm không để Việt Nam dễ dàng trở thành điểm trung chuyển ma tuý.
Mỗi năm, Việt Nam triệt phá trên 20.000 vụ ma tuý, bắt hơn 30.000 người liên quan. Có lúc tại các trại giam đến 60% phạm nhân là tội phạm ma tuý. Cả nước hiện có hơn 250.000 người nghiện ma tuý bị đưa vào hồ sơ quản lý, tuy nhiên con số thực tế lớn hơn gấp nhiều lần.
Bộ luật Hình sự 2015 có tới 13 điều quy định về các tội phạm về liên quan đến ma tuý trong đó 9 điều có khung hình phạt đến chung thân hoặc tử hình. "Người buôn bán từ 700g (tương đương 2 bánh heroin) sẽ bị phạt tử hình đã đủ để thấy mức răn đe nặng như thế nào", đại tá Hậu nói.