Theo đó, ngày 17/11, Hội đồng trọng tài của Toà trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ban hành phán quyết với nội dung: Không có bất kỳ một cơ quan nhà nước nào của Việt Nam vi phạm Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt - Pháp, Việt Nam cũng như không có bất kỳ một hành động sai trái nào. Trên căn cứ này, tất cả các khiếu kiện của DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ.
Liên quan vấn đề kinh phí cho Hội đồng trọng tài, thuê luật sư trong vụ kiện này, bà Vũ Thị Hường, đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư Pháp) cho hay việc chi trả áp dụng theo quy tắc quốc tế. Tức là mỗi bên trả một nửa chi phí hội đồng trọng tài, còn luật sư thì tự trả.
Vụ kiện xuất phát từ tháng 3/2001 khi Bệnh viện DialAsie ký hợp đồng thuê tòa nhà tại phố Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM của Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP HCM (Sài Gòn Co.op) với giá 23.000 USD một tháng. Tuy nhiên, Bệnh viện DialAsie không trả được tiền nên Sài Gòn Co.op đưa đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.
Tháng 2/2005, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam ra phán quyết về việc Bệnh viện DialAsie phải trả cho Sài Gòn Co.op số tiền hơn 571.000 USD (tương đương 8 tỷ đồng). Tháng 12/2005, Bộ Y tế có công văn đề nghị Bệnh viện DialAsie ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới và chuyển các bệnh nhân đang điều trị tới các trung tâm y tế khác. DialAsie cho rằng không được đối xử công bằng nên đã kiện Chính phủ Việt Nam ra Toà trọng tài quốc tế.
Để tránh gặp phải những vụ kiện tương tự xảy ra, Vụ Pháp luật Quốc tế đề nghị ngay từ khi phê duyệt đầu tư, xem xét việc cấp giấy phép cho các dự án, địa phương cần phải cân nhắc kỹ và tính toán để tránh tranh chấp đầu tư quốc tế không đáng có, gây tốn kém tiền bạc, công sức. Ngoài ra, khi phát hiện ra sự việc, địa phương cần báo sớm cho các ban ngành để vào cuộc sớm.
Bá Đô