Cuộc thi đã chọn ra người thắng cuộc sau ba ngày tranh tài trên nền tảng trực tuyến (8-10/10). Trong số 11 giải được vinh danh, Việt Nam có ba giải chung cuộc.
Trong số này đề tài "Hệ thống phòng chống buôn bán trẻ em dựa trên Blockchain" của nhóm KidKat giành giải xuất sắc mảng chính phủ điện tử (phần thưởng trị giá 2.500 USD).
Nhóm LifeLink giành giải đội thi xuất sắc mảng công nghệ y tế với đề tài: "Nền tảng Blockchain kết hợp Federated Learning nhằm hỗ trợ công nghệ AI trong việc nghiên cứu y tế bằng cách phân tán hệ thống và bảo vệ thông tin bệnh nhân" (phần thưởng trị giá 2.500 USD).
Giải ba thuộc về nhóm ViFaChain với đề tài: "Ứng dụng Blockchain vào việc kiểm soát nguồn gốc chuỗi cung ứng nông nghiệp sạch" (phần thưởng trị giá 5.000 USD).
Ông Nguyễn Thế Năng, Giám đốc sản phẩm TomoChain, người trực tiếp hướng dẫn các đội trong ba ngày thi cho biết, các dự án được giải năm nay đều thể hiện tính sáng tạo, nghiên cứu khoa học có chiều sâu, đồng thời cũng đưa ra hướng giải bài toán thực tiễn bằng công nghệ blockchain.
Nhóm ViFachain giải bài toán truy xuất minh bạch trong chuỗi cung ứng nông sản. Ông Năng cho biết, dù chưa thể đưa vào ứng dụng ngay lập tức, song đã nhóm nêu được kiến trúc tương ứng để thực hiện. Mục đích đạt được ở giải pháp này là giúp truy xuất được nguồn gốc nông sản để quản lý chất lượng trong chuỗi cung ứng. Những thông tin quan trọng nhất của sản phẩm như nơi sản xuất, chất lượng test... sẽ được lưu trữ ở blockchain. Thông tin này có tính minh bạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Ở mảng công nghệ y tế đại diện nhóm LifeLink cho biết ý tưởng của nhóm áp dụng Blockchain nhằm bảo vệ nền tảng ổn định, phân tán dưới nguy cơ tấn công mạng - và Federated learning - training model mà không chia sẻ dữ liệu bệnh nhân."Sản phẩm này sẽ góp phần tạo ra những kết nối quan trọng trong ngành y tế và thế giới, từ đó mở rộng nhiều cơ hội giúp người bệnh", Nguyễn Mai Phương, thành viên LifeLink nói.
Lĩnh vực chính phủ điện tử nhóm KidKat cũng được đánh giá cao. Với đề tài "Hệ thống phòng chống buôn bán trẻ em dựa trên Blockchain" do đội đưa ra, mỗi người đều có ID cá nhân, sau này sẽ xây dựng mô hình quan trắc sinh học như nhận diện vân tay, gương mặt, ánh mắt. Các thông tin này được lưu ở blockchain. Khi qua hải quan hay nơi cần có tính bảo mật, sẽ dựa trên những thông tin sinh học này để nhận diện đây là ai. Trẻ em không đi cùng bố mẹ, hệ thống sẽ nhận diện để gửi tin nhắn thông báo đến địa chỉ trên dữ liệu để bố mẹ nắm được.
Phan Lê Minh An, đại diện đội KidKat cho hay, thời gian tới nhóm sẽ tìm hiểu thêm về blockchain cũng như tokenomics để có thể đưa ra nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa.
Cuộc thi Olympic Blockchain Quốc tế (IBCOL) năm nay thu hút 600 đội đến từ 59 nước, Bangladesh là nước chủ nhà.
Đây là năm thứ hai Việt Nam tham dự cuộc thi với sáu đội tham dự sau khi lựa chọn từ hơn 100 đơn đăng ký ở vòng loại quốc gia. Tại Việt Nam, YellowBlocks là đơn vị được chỉ định bởi Hội đồng quốc tế để tổ chức cuộc thi cấp quốc gia.Sự kiện tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của Làng Công nghệ Tiên phong, thuộc chuỗi sự kiện Techfest Việt Nam 2021.