Món quà mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Lào được Chủ tịch nước Tô Lâm công bố trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith tại thủ đô Vientiane hôm nay là 20 ôtô điện Vinfast để hỗ trợ Lào tổ chức thành công các hoạt động quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ hết lòng ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA.
Trong cuộc hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Sisoulith nhấn mạnh việc Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân Chủ tịch nước đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Hai lãnh đạo đánh giá hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế được quan tâm thúc đẩy, trong đó thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Lào. Hai bên cũng nỗ lực tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc một số dự án trọng điểm.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Sisoulith tái khẳng định chính sách nhất quán của hai nước là luôn coi trọng, dành ưu tiên cao nhất cho củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Hai bên sẽ sớm đưa các nội dung của Bộ Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của mỗi nước, phối hợp xây dựng các công trình và di tích lịch sử về quan hệ song phương, trong đó có Công viên hữu nghị Lào - Việt Nam tại Vientiane.
Hai nước nhất trí đẩy mạnh trụ cột hợp tác an ninh - quốc phòng để đối phó với các thách thức mới, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, nhất là ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, xuất nhập cảnh trái phép.
Việt - Lào tiếp tục phối hợp hiệu quả trong tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và tôn tạo các tượng đài liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.
Sau hội đàm, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác về an ninh, tư pháp và vận tải hàng không.
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng ngày hội kiến với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nhất trí phối hợp tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10-15% trong năm 2024.
Hai bên đánh giá cao việc nhiều dự án hợp tác tiêu biểu đã hoàn thành, được bàn giao và đi vào sử dụng, đồng thời nhất trí cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy một số dự án trọng điểm khác trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, kết nối cơ sở hạ tầng.
Việt - Lào sẽ phấn đấu tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hợp tác đầu tư; đẩy mạnh hợp tác giáo dục-đào tạo, hợp tác khoa học, thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Chủ tịch nước Tô Lâm đến Vientiane sáng nay, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Lào ngày 11-12/7 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Sisoulith. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi giữ cương vị mới.
Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Việt Nam hiện là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào, hiện có 255 dự án đầu tư tại nước này với tổng vốn 5,5 tỷ USD.
Sau khi kết thúc lịch trình tại Lào, Chủ tịch nước sẽ thăm cấp nhà nước Campuchia. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho hay chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện thông điệp Việt Nam "luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất" cho mối quan hệ với Lào và Campuchia.
Vũ Anh