"Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân tại các vùng biển của Việt Nam, để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất trên biển", ông Bình trả lời câu hỏi của VnExpress trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay về biện pháp bảo vệ ngư dân duy trì việc đánh bắt ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh cá.
Ông Bình hôm 16/5 tuyên bố việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là hành động vô giá trị và Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNLCOS).
Trong thông báo hôm 16/5, Trung Quốc cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h ngày 16/5/2015 đến 12h ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm cả vịnh Bắc Bộ). Bắc Kinh cho biết sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm. Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Đề cập đến việc hải quân Trung Quốc hôm nay xua đuổi máy bay trinh sát của Mỹ trên các đá Bắc Kinh đang cải tạo ở Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho rằng "việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng chung của các nước trong và ngoài khu vực."
"Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nước cũng cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS, không làm phức tạp thêm tình hình", ông Bình nói.
Truyền thông Mỹ hôm 12/5 đưa tin nước này có thể cân nhắc điều phi cơ và tàu quân sự vào khu vực 12 hải lý quanh các đá ở Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Trường Sa.
Việt Anh