Một góc TPHCM. |
Dưới đây là nội dung bài viết, đăng trên số ra ngày 5/4.
Trong lúc chiếc Boeing 747 của United Airlines, cất cánh từ San Francisco, đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhẩm tính đã có bao nhiêu thay đổi ở Việt Nam kể từ lần đầu tiên tôi đến 12 năm trước. Khi đó, Việt Nam vẫn chịu lệnh cấm vận của Mỹ, nhưng TPHCM đầy những người Australia, Đài Loan, Pháp, Nga và một số khách du lịch bụi người Mỹ.
Thời đó, không có taxi, Internet, điện thoại di động, khách sạn 5 sao hay các chuyến bay thẳng nối Mỹ với Việt Nam.
Những thương khách ngồi chật kín quầy bar ở khách sạn 4 sao duy nhất - Saigon Floating Hotel, cái sà lan được kéo từ Australia về bờ sông Sài Gòn. Đi đến bất cứ nơi đâu, bạn cũng nghe thấy người ta bận rộn nói về việc Việt Nam sẽ trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á.
Khi tôi đến Việt Nam làm phóng viên thường trú cho hãng tin AFX hai năm sau đó, cơn sốt Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm. Hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài đổ vào, các nhà kinh doanh bất động sản tìm kiếm giấy phép xây khu văn phòng cao tới 80 tầng, các hãng lắp ráp ôtô, những kế hoạch xây nhà máy lọc dầu, cán thép và các khu nghỉ dưỡng sang trọng bên bờ biển.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 khiến tốc độ các dự án chững lại, hoặc thậm chí ngừng hẳn. Chrysler rút đi trước khi chiếc xe đầu tiên của hãng có cơ hội lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Khách sạn Sheraton ở Hà Nội và TP HCM dang dở. Du lịch co lại. Đầu tư nước ngoài nhỏ giọt. Khi tôi rời đất nước này năm 2000, Việt Nam đã lại là câu chuyện của ngày hôm qua.
Nhưng khi tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 3 này, khi thành phố chuẩn bị kỷ niệm 30 năm giải phòng, bầu không khí nhộn nhịp khác hẳn trước. "Thậm chí những người hoài nghi nhất cũng phải công nhận rằng mọi thứ, mọi mặt đã tốt hơn", Milton Lawson, luật sư làm việc cho Freshfields Bruckhaus Deringer hơn 10 năm qua ở Việt Nam, nói.
Ở khắp những nơi tôi đến, thành phố dường như sáng choang lên nhờ kinh tế phát triển. Nhà hàng trong khách sạn Sheraton trên đưòng Đồng Khởi chật cứng khách Việt Nam và ngoại quốc tới ăn mừng Phục sinh. Các máy slot bàn chơi bài đông đúc, cũng giống như không khí trong các cửa hàng bán đồ hiệu Prada, Louis Vuitton, và Armani. Nhớ lại lần đầu tiên tôi đến, xe hơi ở đây chỉ có loại duy nhất nhập từ Nga, giờ thì Mercs chạy đầy đường.
Cách đó một đoạn, những người hoài cổ tụ tập ở Rex Hotel. Lên ngắm hoàng hôn thành phố từ trên mái nhà của khách sạn này, tôi được chứng kiến một chàng GI (lính Mỹ) hùng hồn tuyên bố rằng "đây vẫn là bar tuyệt nhất thế giới", trong tiếng nhạc nền của Peter, Paul & Mary. (Nhóm này đang có chương trình biểu diễn ủng hộ các nạn nhân chất da cam ở Việt Nam).
Mặc dù còn những phần nào đó của thành phố vẫn nguyên vẹn như mô tả của Graham Greene trong "Người Mỹ trầm lặng", Sài Gòn giờ đây thuộc về thế hệ sau chiến tranh, với một nửa dân số ở tuổi dưới 25. Thành phố là khối nam châm hút người Việt trở về. Henry Nguyễn 31 tuổi, cùng gia đình rời đi năm 1975, đang điều hành quỹ đầu tư của IDG trị giá 100 triệu USD ở Việt Nam.
Đi dọc thành phố, tôi xuống khu Nam Sài Gòn. Nơi tôi đến năm 1996 là những cánh đồng lúa ngập nước. Lúc đó người Đài Loan đang có ý định đầu tư xây dựng thành một đô thị hoàn chỉnh rộng 3.300 ha với đầy đủ trường học, siêu thị, nằm giữa các toà chung cư chọc trời.
Nhưng tôi nhầm. Nam Sài Gòn hiện nay bắt mắt bởi những hàng cây chạy suốt các con đường len lỏi giữa những biệt thự xinh xắn, các cửa hàng bán phô-mai cao cấp nhập khẩu, sản phẩm thủ công nội địa. Học Viện công nghệ hoàng gia Melbourne sắp mở campus ở đây.
Nhưng nói gì đi nữa, Việt Nam chỉ đang ở những giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Và triển vọng gia nhập WTO của nước này vẫn là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư nước ngoài. "Người nước ngoài giờ đây hiểu nhiều hơn về Việt Nam, người Việt Nam hiểu rõ hơn về người nước ngoài", người điều hành Dragon Capital - công ty quản lý Quỹ Đầu tư trị giá 65 triệu USD có tên trên thị trường Dublin, ông Dominic Scrivens, nói. "Vấn đề là liệu sự hiểu biết mới đó có mang lại những quả ngọt hơn hay không?".
T. Huyền lược dịch