Nguyễn Cao Kỳ Duyên là một ngôi sao được biết đến tại Việt Nam hôm nay, 40 năm sau ngày cô cùng gia đình rời quê hương tới Mỹ. Một thời gian dài, cô tham gia dẫn chương trình Paris By Night - show diễn dành cho những người Việt xa xứ ở Pháp và Bắc Mỹ.
Bố cô - ông Nguyễn Cao Kỳ, từng là một phi công chiến đấu và sau đó là Thủ tướng của chính quyền cũ tại miền Nam. Năm 1975, họ rời Việt Nam trên một chiếc trực thăng dẫn đến một tàu chiến Mỹ. Phải mất gần 30 năm cho tới ngày ông Kỳ có thể trở về quê hương, và lâu hơn thế để thuyết phục con gái cùng về.
"Ông khuyên tôi nên trở lại Việt Nam. Đó là nơi tương lai bắt đầu, Việt Nam là quốc gia đang phát triển", Kỳ Duyên nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn, "Nhưng tôi không biết làm thế nào để bắt đầu. Tôi không có bất cứ bạn bè nào ở đó".
Khi Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, Kỳ Duyên xem mình là một trong những "đứa trẻ chiến tranh trở về", những người chứng kiến sự đổi mới và cả thứ còn tồn tại nơi đây. Những người trở về, nhiều trường hợp là con trai, con gái họ, đang đứng trước cơ hội với thị trường gồm 90 triệu dân, hơn 60% trong số đó ra đời sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Vai trò của những người trở lại
Không có thống kê chính xác về lượng người Việt ở nước ngoài hồi hương. Nhiều người cho rằng con số đang ngày càng lớn. Họ bị hấp dẫn bởi những ưu đãi trong một vài năm qua như miễn giảm thuế, nới lỏng quy định về quốc tịch hay sở hữu bất động sản. Với một quốc gia đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng giữa những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế, Việt kiều là một động lực quan trọng.
"Họ là nguồn lực đầu tư tiềm năng với Việt Nam", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từng nói, "Và tôi tin rằng người trở về sẽ còn nhiều hơn nữa".
Thu hút Việt kiều là một phần trong chính sách mở cửa nền kinh tế bắt đầu từ những năm 1980, nhất là sau khi Mỹ hủy bỏ lệnh cấm vận năm 1994. Băng tan, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các công ty như Apple hay Adidas.
Bong bóng bất động sản nổ ra trong những năm cuối 2000 và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nền kinh tế gặp khó khăn bởi nợ xấu, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh với khối doanh nghiệp Nhà nước vốn chiếm 40% GDP. Tăng trưởng có lúc xuống thấp nhất trong vòng 10 năm, lạm phát năm 2011 lên hai chữ số. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng thừa nhận những khuyết điểm trong quản lý Nhà nước và yếu kém trong cấu trúc nền kinh tế.
Điều này có nghĩa rằng vai trò của những người trở về càng trở nên quan trọng trong việc xốc lại nền kinh tế từng đạt tốc độ tăng trưởng gần 10%. Ba quý gần đây, tăng trưởng GDP đều trên mức 6% khiến không ít người nghĩ đến đà phục hồi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ các công ty đa quốc gia dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc, Thái Lan sang để tận dụng nhân công giá rẻ. Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút các nhà sản xuất lớn như Samsung hay Intel.
Dù vậy, sự hoài nghi về khả năng tăng tốc của nền kinh tế vẫn còn do vấn đề nợ xấu, kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm chạp. Nỗ lực của Chính phủ bị thử thách một lần nữa trong tháng năm năm ngoái, khi những cuộc biểu tình quá khích chống Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở biển Đông gây ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài.
Thúc đẩy sự thịnh vượng
Trần Quốc Tuấn, Giám đốc tài chính tại Công ty Hải sản Việt Úc cho biết anh đang ngày càng tự tin kể từ khi trở về lần đầu tiên năm 2009. Anh nói về một số người bạn từng làm việc ở Việt Nam trong các quỹ đầu tư và đã ra đi từ năm 2012, 2013. Nhưng nhiều người chọn ở lại và cho ra đời những công ty trẻ, đa dạng từ ngành dược đến cửa hàng thiết kế kiến trúc hay đưa các thương hiệu quốc tế đến với thị trường tiêu thụ rộng lớn này.
Một người trở về khác, Henry Nguyen - từng rời Việt Nam khi chưa đầy hai tuổi Ngày nay, Henry Nguyen điều hành quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam. Năm ngoái, quỹ này giành được nhượng quyền thương hiệu để mở cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam.
Anh cho biết mình đã tò mò nhiều hơn là nghi ngờ khi lần đầu tiên trở về Việt Nam năm 2001. Trải qua thời kỳ đầu khó khăn, nay Henry Nguyen trở thành một trong những doanh nhân nổi bật. "Tôi nói tiếng Việt rất ít khi còn nhỏ", Henry Nguyễn nói. Tốt nghiệp đại học Harvard, sau đó làm trong một tập đoàn tài chính lớn. "Tôi hối tiếc, thậm chí xấu hổ khi lần đầu tiên trở về Việt Nam tôi đã gặp khó khăn vì kỹ năng tiếng Việt hầu như không có gì".
Một người trở về khác từ châu Âu cho biết anh hào hứng vì những cơ hội kinh doanh đang được mở ra. "Bạn có thể làm bất cứ thứ gì ở Việt Nam", anh nói.
Tuy vậy, anh vẫn lo lắng vì những thứ người ta nói về những mặt trái. Việt Nam đứng thứ 119 trên 175 nước trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về tham nhũng trong năm ngoái. "Đó là thứ làm tôi lo lắng", anh nói.
Mặc cảm thời chiến còn sót lại cũng là rào cản với các nhà đầu tư Việt kiều. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh của Việt Nam khẳng định rằng không có phán xét nào với những người đã ra đi. Chính phủ đang cố gắng khuyến khích thêm nhiều Việt Kiều quay trở lại, qua những chương trình như hội trại mùa hè dành cho con cái của cộng đồng xa xứ.
Khi được hỏi chính quyền sẽ làm gì với những người vẫn còn giữ lòng hận thù, ông nói: "Chính sách của chúng tôi là chào đón họ quay trở về nhà".
Ngôi sao của Paris by Night - Nguyễn Cao Kỳ Duyên hiểu rằng vị thế người nổi tiếng đã giúp cô rất nhiều trong cuộc trở về. Cô hiện dành phần lớn thời gian ở Mỹ, thỉnh thoảng về Việt Nam.
40 năm sau những ngày hỗn loạn cuối cùng ở Sài Gòn, cảm giác về một cơ hội kinh doanh đủ lớn để thôi thúc Kỳ Duyên về với mái nhà xưa. "Tôi bắt đầu trở về thường xuyên hơn. Tôi quan sát thị trường ở đây, về tăng trưởng, và tôi nghĩ: Chà, ở đây có rất nhiều tiềm năng".
Anh Đức (Theo Financial Times)