Một thập kỷ trước, Intel đã gây ngạc nhiên khi mở nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam. Đây là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam thời đó. Giờ đây, nhà máy sản xuất, lắp ráp quy mô hơn một tỷ USD này đang dần đa dạng hóa sản phẩm và cử nhiều nhân viên Việt Nam sang Mỹ đào tạo.
"Việt Nam đã định vị công nghệ là trọng tâm của các mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Chúng tôi nhận thấy môi trường công nghệ tại đây đang dần hiện đại và sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất", bà Sherry Boger – Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết trên Los Angeles Times.
Việt Nam là một trong 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất tuần này. Thỏa thuận sẽ cho phép Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng sang các nước lớn như Nhật Bản hay Mỹ.
Ban đầu, các ngành nhận được đầu tư lớn nhất sẽ là dệt may và giày dép. Tuy nhiên, TPP cũng sẽ giúp Việt Nam hút thêm vốn vào các ngành công nghệ cao và tiến lên trong chuỗi giá trị. Cả Trung Quốc và các đối thủ chính của Việt Nam tại Đông Nam Á đều không gia nhập TPP. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng trong 12 nước TPP, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất.
Los Angeles Times trích dự báo của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy năm 2025, Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới với GDP 450 tỷ USD. Hiện GDP Việt Nam là 186 tỷ USD, đứng thứ 55.
"Việt Nam là một trong những điểm đến đang cải thiện được tính cạnh tranh cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là họ sẽ tận dụng lợi thế này như thế nào", Sandeep Mahajan – nhà kinh tế học về Việt Nam tại World Bank cho biết.
Ngoài tham gia TPP, Việt Nam còn kỳ vọng ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 3 năm tới. Thỏa thuận này sẽ giúp miễn thuế lên nhiều sản phẩm đưa sang EU - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Và để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đang hoàn tất các thủ tục cho phép nhà đầu tư ngoại sở hữu hoàn toàn công ty niêm yết trong nước. Vốn đầu tư nước ngoài – nhiều nhất từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc chiếm gần 20% GDP Việt Nam.
Hãng dệt may Đài Loan – Singtex là một trong những công ty đang đổ vốn vào Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, họ đã mở một nhà máy gần TP HCM, tuyển dụng hơn 400 công nhân.
Chủ tịch Singtex - Jason Chen cho biết giá nhân công rẻ là nguyên nhân thúc đẩy họ đầu tư vào Việt Nam. Và khi TPP được ký kết, sản phẩm của công ty ông cũng sẽ hưởng lợi.
Tại trụ sở công ty ở Đài Loan (Trung Quốc), Chen cho biết: "TPP chỉ là một lý do tôi tới Việt Nam thôi. Chúng tôi có quan hệ rất tốt với người Việt Nam. 9 năm qua, họ đã làm việc trong công ty này, được đào tạo và đã quen với văn hóa doanh nghiệp rồi. Giờ họ có thể quay về và quản lý mọi việc mà chúng tôi không phải lo lắng quá nhiều".
Samsung Display năm ngoái đã động thổ một nhà máy sản xuất màn hình với chi phí 1 tỷ USD, sau khi mở một trung tâm lắp ráp tại Bắc Ninh. Foxconn Technology (Đài Loan, Trung Quốc) cũng làm camera, máy tính và các thiết bị điện tử khác tại nhà máy ở đây.
Trên Wall Street Journal, David Hon – CEO hãng sản xuất xe đạp gấp Dahon cho biết ông sẽ đợi xem các điều khoản ưu đãi của TPP đến đâu, trước khi quyết định giảm sản xuất tại Trung Quốc và châu Âu để ưu tiên Việt Nam và Malaysia. Ông cũng sẽ cân nhắc về thuế nhập khẩu được giảm với các điều kiện thương mại khác, do chuỗi cung ứng tại Malaysia và Việt Nam chưa phát triển như Trung Quốc.
Dù vậy, thiếu nhân lực trình độ cao đang là điểm yếu lớn của Việt Nam. Chỉ 3% trong số 90 triệu dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Vì vậy, Intel đã khởi động một chương trình cải thiện trình độ cho các kỹ sư Việt Nam. Họ đã cử 73 người sang Đại học Portland (Mỹ) học tập trong 2 năm.
"Chúng tôi hiểu ngay từ đầu rằng đào tạo kỹ năng là điều cần thiết. Các học viên Việt Nam đang tiến bộ rất tốt. Chúng tôi mới đang trong giai đoạn đầu của việc đầu tư thôi", bà Boger cho biết.
Hà Thu