"Việt Nam đến kỳ họp năm nay với vinh dự và trách nhiệm hết sức to lớn là ứng cử viên không chỉ của ASEAN, mà còn của cả Nhóm châu Á-Thái Bình Dương gồm 54 nước vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng ta tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay trả lời phỏng vấn, trước khi dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York, Mỹ.
Kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 25/9 đến 1/10 với chủ đề "Làm cho LHQ gần gũi với tất cả mọi người". Các đại biểu sẽ thảo luận về kinh nghiệm lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung trong việc gìn giữ hòa bình, công bằng và ổn định xã hội.
Theo Thủ tướng, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi đối ngoại đa phương là trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế thương mại đa phương, song phương, luôn nỗ lực là thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức, đồng thời là đối tác tin cậy, thị trường mở cửa và đầy tiềm năng.
Kể từ khi gia nhập LHQ năm 1977, Việt Nam đã là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên Hợp Quốc, đồng thời là một trong những quốc gia đi tiên phong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Trong vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
"Tôi sẽ cùng lãnh đạo cấp cao 193 quốc gia thành viên LHQ thảo luận, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để xử lý thách thức toàn cầu đối với an ninh và phát triển, cũng như các biện pháp làm cho LHQ phục vụ tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn lợi ích của mọi quốc gia, mọi người dân", Thủ tướng cho hay.
Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu ở châu Á, thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và các khuôn khổ hợp tác, các chương trình nghị sự quan trọng khác của LHQ.
Thủ tướng cho biết mục đích của Việt Nam trong hoạt động tại LHQ lần này còn là tranh thủ các nguồn lực và cơ hội cho phát triển, thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, kế hoạch và ưu tiên hành động của LHQ ở cấp độ quốc gia và khu vực. Việc thực hiện tốt các sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín và vị thế tại LHQ cũng như trên trường quốc tế.