Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình cho biết chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngày 14-15/4 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với quan hệ hai nước, theo TTXVN.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2025, chuyến thăm Việt Nam thứ tư của ông trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và là lần thứ hai trong cùng một nhiệm kỳ.
Theo Đại sứ Phạm Thanh Bình, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
"Kế thừa truyền thống hữu nghị và thông lệ giữa hai bên, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm, sẽ dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em", Đại sứ nói.
Đại sứ Phạm Thanh Bình cho biết thêm chuyến thăm được hai bên hết sức coi trọng, thu xếp, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về cả chương trình và nội dung.
Ông Tập sẽ hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Hai bên sẽ trao đổi về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, tăng cường hợp tác theo định hướng "6 hơn", đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực và điểm sáng mới.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc
Về triển vọng thúc đẩy giao thương giữa hai nước khi tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc sắp được khởi công, Đại sứ Phạm Thanh Bình cho biết hai nước đang đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hạ tầng về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu.
Theo Đại sứ, Trung Quốc có công nghệ, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nhiều doanh nghiệp lớn về xây dựng hạ tầng chiến lược. Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển trong khi nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực còn hạn chế. Do đó, hai nước có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng là các dự án giao thông quan trọng, mang tính chiến lược và là biểu tượng cho quan hệ hai nước.
Trong lúc giao thương Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được mở rộng, nhu cầu vận tải đa phương thức ngày càng gia tăng, cùng với đường bộ, hàng không và đường biển, vận tải hàng hóa bằng đường sắt là lựa chọn phù hợp để gia tăng hiệu suất kết nối giao thông giữa hai nước.
Các tuyến đường sắt tiêu chuẩn trên sẽ giúp giảm thời gian trung chuyển hàng hóa tại biên giới, tối ưu hóa chi phí vận tải, nâng cao lợi thế và cạnh tranh của ngành logistics liên vận hai bên.
"Đây là các yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều hàng hóa có thế mạnh như nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, cũng như đưa các sản phẩm của Trung Quốc đến với thị trường Việt Nam", ông Bình đánh giá.
Đại sứ Phạm Thanh Bình cho biết hai bên đã triển khai hợp tác sâu rộng trong giao lưu nhân dân. Hiện có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang học tập ở Trung Quốc, lượng du khách Việt Nam tới Trung Quốc hàng năm luôn đứng đầu trong các nước ASEAN. Năm 2024, Việt Nam đã đón khoảng 3,7 triệu lượt khách Trung Quốc và hiện có 400 chuyến bay qua lại mỗi tuần giữa hai nước.
Năm 2025 được hai bên xác định là Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung để kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đầu năm đến nay, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai sâu rộng các hoạt động giao lưu nhân văn.
Hai bên cũng đang tích cực nghiên cứu tổ chức hoạt động thanh niên hai nước thăm các "địa chỉ đỏ" mang dấu ấn cách mạng, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Trung Quốc.
Trung Quốc là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 18/1/1950. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2008.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam hồi tháng 12/2023, hai nước đã đề ra 6 phương hướng hợp tác lớn nhằm tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc năm 2024 đạt 205,2 tỷ USD (tăng 19,3%). Ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 51,25 tỷ USD.
Ngọc Ánh