PGS Trần Thục. |
- Thưa ông, Việt Nam đã có những kinh nghiệm gì trong việc làm mưa nhân tạo?
- Theo tính toán của Tổ chức Khí tượng thế giới, nếu tiến hành tốt thì hiệu quả kinh tế của việc làm mưa nhân tạo có thể gấp 10 tới 20 lần số kinh phí bỏ ra. Hiện nay trên thế giới đã có 28 nước làm chủ được công nghệ này. Tại Việt Nam, cuối năm 1959, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc, chúng ta đã tiến hành thử nghiệm làm mưa bằng cách dùng máy bay rải các chất tác động lên vùng trời Hải Dương và Hưng Yên. Đã có mưa, tuy nhiên kết quả cuối cùng không được kiểm nghiệm cụ thể.
- Năm 1998, chính Viện Khí tượng thủy văn đã xây dựng đề án làm mưa nhân tạo cho vùng Tây Nguyên với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga. Vì sao đề án đó lại không được tiếp tục triển khai?
- Đề án đó do TS Trần Duy Bình và GS Lê Đình Quang chủ trì. Nó còn một số điểm chưa được làm rõ về cơ sở khoa học, việc lựa chọn công nghệ, cũng như các khâu chuẩn bị về nhân lực và cơ sở hạ tầng chưa thật sẵn sàng, do vậy đã không được tiếp tục triển khai. Đề án của chúng tôi là bước tiếp theo, kế thừa và phát triển thêm đề án này.
- Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai đề án?
- Ngoài việc tiến hành nghiên cứu kỹ hơn về cơ sở khoa học của làm mưa nhân tạo để có thể lựa chọn một công nghệ phù hợp nhất cho Việt Nam, thì địa bàn mà chúng tôi chọn là vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ chứ không phải là Tây Nguyên. Bởi Tây Nguyên luôn cần nước vào mùa khô hạn, mà thời điểm đó, vùng trời ở đây rất ít khả năng có mây, một điều kiện tiên quyết để làm mưa nhân tạo. Với đồng bằng và trung du Bắc Bộ, làm mưa nhân tạo có thể được thực hiện để gây mưa sớm hay kéo dài mùa mưa, nhằm tăng lượng nước dự trữ, đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu vào mùa hạn.
- Ông có thể cho biết từng bước cụ thể?
- Dự án sẽ được triển khai thành ba bước: Giai đoạn chuẩn bị dự kiến hai năm (2005 - 2006) với nội dung là nghiên cứu cơ sở khoa học, lựa chọn công nghệ làm mưa phù hợp, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tiến hành thử nghiệm. Giai đoạn thử nghiệm (2007-2010) với công việc chính là thí nghiệm làm mưa nhân tạo ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, đánh giá hiệu quả và chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể tự tiến hành. Giai đoạn làm mưa nhân tạo nghiệp vụ (từ 2011) để phục vụ các nhu cầu kinh tế xã hội không chỉ ở vùng Bắc bộ mà còn ở những vùng lãnh thổ khác.
Theo chúng tôi tính toán, khi được phê duyệt thành dự án khả thi, kinh phí để thực hiện vào khoảng 50-60 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, vì vậy chúng tôi phải thận trọng từng bước, bảo đảm chắc chắn thành công. Mặc dù nhu cầu làm mưa nhân tạo hiện nay là rất bức xúc, nhất là đối với những vùng thường xuyên bị hạn hán, nhưng không thể vội vàng được. Thái Lan cũng phải mất gần 20 năm mới làm chủ được công nghệ này.
- Đâu là điểm khó khăn nhất trong việc triển khai dự án này?
- Cái khó khăn nhất là chúng ta vẫn chưa xác định được công nghệ làm mưa nào là tối ưu và phù hợp với Việt Nam. Hiện nay gần như mỗi nước áp dụng một công nghệ khác nhau. Tháng 7 tới, chúng tôi sẽ cử một đoàn cán bộ sang nghiên cứu và học tập công nghệ ở Nga, tiếp theo là Trung Quốc, Thái Lan và có thể Mỹ nữa. Sau đó mới có kết luận là áp dụng công nghệ của nước nào.
- Có thể làm mưa nhân tạo để chữa cháy rừng không?
- Làm mưa nhân tạo để chữa cháy rừng là rất khó, vì lúc xảy ra cháy rừng thường là lúc khô hạn nhất, bầu trời không có mây. Mục đích chính của làm mưa mà chúng tôi đề ra là để tăng lượng mưa khi có những loại mây thích hợp mà không có mưa hoặc chỉ có mưa nhỏ, nhằm chống hạn hán, hoặc tăng lượng nước dự trữ. Xa hơn nữa là tác động tích cực đến thời tiết để phá sương muối, sương mù, phá mây không cho gây mưa, làm tan áp thấp nhiệt đới trước khi phát triển thành bão.
(Theo Sài Gòn giải phóng)