Với quyết định trên, giống ngô MON 89034 trở thành thực vật biến đổi gene đầu tiên và duy nhất nhận được chứng nhận của Bộ Tài nguyên đến thời điểm này, đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Trước khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học tại Việt Nam, MON 89034 đã được cấp phép phóng thích vào môi trường tại 8 quốc gia trong đó có Canada, Mỹ, Nhật Bản, Brazil.
MON 89034 cũng là một trong 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Ba sản phẩm còn lại là BT 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và NK 603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, đang được Bộ Tài nguyên xem xét.
Theo Bộ Tài nguyên, giống ngô MON 89034 mang đặc tính kháng một số loài sâu hại bộ cánh vảy như sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang.
Giấy chứng nhận an toàn sinh học được Bộ Tài nguyên ban hành sau quá trình đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, khoa học của Tổ chuyên gia và Hội đồng an toàn sinh học. Quy trình thẩm định này tuân thủ các chuẩn mực về đánh giá hồ sơ và chứng nhận an toàn sinh học đã được tiến hành trên thế giới.
Việc ngô biến đổi gene MON 89034 được cấp phép đồng nghĩa Việt Nam có thể đưa loại ngô này vào trồng trọt mà không cần bất kỳ biện pháp quản lý an toàn sinh học nào. Nhưng để thực sự thương mại hóa, Việt Nam vẫn cần được Bộ Nông nghiệp công nhận cho từng giống cụ thể và đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.
Hương Thu