Theo thông báo từ Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC), sàn giao dịch nợ VAMC được đăng ký hoạt động theo mô hình chi nhánh.
Sàn này sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Theo lý giải của VAMC, sàn giao dịch này được thành lập nhằm giúp thị trường có thêm loại hình dịch vụ mới để xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao vai trò của VAMC thành trung tâm của thị trường mua bán nợ.
Công ty cũng cho biết đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động của sàn giao dịch nợ trong thời gian tới.
Lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2020, VAMC cùng các tổ chức tín dụng đã xử lý trên 290.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, tổ chức này thu hồi nợ đạt gần 167.000 tỷ đồng. Riêng năm nay, VAMC đã phối hợp với tổ chức tín dụng xử lý trên 46.000 tỷ đồng, thu hồi nợ từ trái phiếu đảm bảo trên 14.000 tỷ đồng.
Nghị quyết 42 ban hành năm 2017 là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết bất cập, khó khăn trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC cho biết thực tế vẫn phát sinh nhiều vướng mắc khi xử lý nợ liên quan tới việc thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp tài sản đảm bảo tại Toà án, thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực...
Ngoài ra, các ngân hàng cũng kiểm soát không để nợ xấu mới phát sinh, nên biện pháp bán nợ theo giá trị thị trường chưa được ưu tiên. Do đó, việc đàm phán với các ngân hàng không đạt được thoả thuận như ban đầu.
Quỳnh Trang