Nội dung trên được đề cập trong cuộc họp của Ban chỉ đạo sáng 20/4.
Tập trung thảo luận về an toàn trong khám chữa bệnh, đi học, tham gia giao thông, du lịch..., các ý kiến trong Ban chỉ đạo cho rằng phải có sự điều chỉnh để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh; tận dụng thời cơ kiểm soát được tình hình để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm.
Về khám chữa bệnh an toàn, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay các cơ sở y tế đã thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, điều trị; trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho y bác sĩ; coi tất cả người đến khám đều có nguy cơ lây nhiễm...
Bộ Y tế đã lập 2 đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát các bệnh viện thuộc Bộ cũng như ở địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ yêu cầu về đảm bảo an toàn.
Với việc hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, Ban chỉ đạo nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương, nói việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để đơn vị khác tham khảo trước khi tổ chức sản xuất lại. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng quy trình hoạt động, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Công Thương "ra văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn". Trong đó, đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón.
Nhiều ý kiến nêu thực tế các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong... sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm tuân thủ đầy đủ hướng dẫn, quy định an toàn khi hết cách ly xã hội. Do vậy, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phải có quy định, hướng dẫn khung về đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất cũng như hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do.
Các tỉnh, thành chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định phòng, chống dịch đối với siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (ví dụ sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, người bán hàng rong... trên địa bàn.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn về bảo đảm an toàn ở các công sở, văn phòng.
Thảo luận nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết Bộ sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây trong lĩnh vực hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi..., cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát sự tuân thủ quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông, như: Lái xe phải đeo khẩu trang, chở đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe... Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông, bằng cách sử dụng phần mềm ứng dụng.
"Không chỉ tham gia giao thông mà đi học, làm việc, du lịch và khách sạn... đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về đi học an toàn, Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây, Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp.
Bộ Giáo dục Đào tạo cũng ra hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cho biết, hệ thống cơ sở y tế Việt Nam có công suất xét nghiệm tối đa 13.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Các mẫu xét nghiệm này được tiến hành bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (kỹ thuật sinh học phân tử). Cả nước có 111 cơ sở y tế đủ năng lực xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật này; trong đó 39 cơ sở được khẳng định kết quả.
Đến sáng 20/4, Việt Nam ghi nhận 268 người nhiễm nCoV; trong đó 202 người được chữa khỏi.