Với tên gọi Vietnam2050calculator4ndc, bộ công cụ này cho phép người dùng hiểu các kịch bản để giảm lượng khí thải với tốc độ nhanh hơn và xây dựng lộ trình đáp ứng các mục tiêu phát thải dài hạn đến năm 2050 dành riêng cho Việt Nam. Công cụ do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương, phối hợp với Bộ Năng lượng, Doanh nghiệp và Chiến lược công nghiệp của Vương quốc Anh (BEIS) cùng các chuyên gia trong nước nghiên cứu, nâng cấp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Bản cập nhật được đưa ra dựa theo công cụ 2050 Calculator. Đây là mô hình tính toán chạy trên nền web mô tả trực quan mối liên hệ trong cung-cầu năng lượng của Việt Nam, đề xuất các kịch bản về sản xuất và tiêu thụ năng lượng và mức phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2050, theo thông cáo Đại sứ quán Anh phát hành ngày 21/12 cho biết.
Phiên bản mới này gồm mô tả chi tiết 14 ngành công nghiệp, năng lượng và ngành giao thông. Đây là những ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn và cũng gây phát thải khí nhà kính lớn. Đồng thời công cụ cập nhật tình hình phát triển các nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, hướng tới giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Công cụ mở, thân thiện với người sử dụng, phục vụ đa dạng từ các nhà làm chính sách, đơn vị nghiên cứu, tổ chức, cá nhân quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng.
Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên sử dụng công cụ 2050 Calculator vào năm 2015. Một năm sau đó, bộ công cụ Calculator 2050 được công bố lần đầu tiên với bản cập nhật bằng tiếng Việt. Cho đến nay công vụ này đã qua hai giai đoạn cập nhật, bổ sung. Hiện có hơn 60 quốc gia, lãnh thổ và thành phố trên khắp thế giới sử dụng công cụ này.
Chia sẻ trong buổi ra mắt phiên bản cập nhật ngày 21/12, ông David McNaught, đại biện lâm thời của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam mong đợi được thấy cách Việt Nam ứng dụng công cụ này. Ông cho biết, việc hoàn thành phiên bản cập nhật là quan trọng, bởi công cụ 2050 Calculator góp phần hỗ trợ các nước đề xuất, lên kế hoạch và thực hiện các mục tiêu khí hậu tham vọng, cũng như chiến lược năng lượng dài hạn.
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đánh giá phiên bản mới được hoàn thiện là "kịp thời và có ý nghĩa đặc biệt" sau Hội nghị Liên hợp quốc Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). "Công cụ giúp gợi ý về các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam trong dài hạn và hướng đến giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050", ông nói.
Như Quỳnh