Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Báo cáo tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Một nền kinh tế đáp ứng hai trong ba tiêu chí trên sẽ được Mỹ đưa vào "danh sách giám sát". Một khi nằm trong danh sách này, quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo liên tiếp - để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài.
Trong báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 7 nền kinh tế vào danh sách giám sát gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia và Đài Loan. Theo đó, Việt Nam đã được đưa ra khỏi "danh sách giám sát" này (do hai kỳ báo cáo gần đây, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ).
Riêng Thuỵ Sỹ là nền kinh tế duy nhất vẫn vượt ngưỡng cả ba tiêu chí, do đó Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục tiếp xúc và phân tích nâng cao. Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 – 6/2022.
Theo luật, việc một nền kinh tế bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ kéo theo các cuộc đàm phán, có thể dẫn đến kết cục là áp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, sẽ không có hình thức trừng phạt tự động nào được áp dụng.
Ngoài ra, theo đánh giá của WSJ, động thái của Bộ Tài chính Mỹ chủ yếu mang tính tượng trưng, để chính phủ phải tham vấn với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm loại bỏ lợi thế bất công mà tiền tệ mang lại cho một quốc gia.
Trước đó, từ cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào "danh sách giám sát" thao túng tiền tệ. Tới giữa tháng 12/2020, Mỹ xác định Việt Nam là một trong hai quốc gia thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và cho biết chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988. Hai bên đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.
Sau quá trình đàm phán và nỗ lực giải quyết, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi diện "bị phân tích nâng cao" và trở lại "danh sách giám sát" trong kỳ báo cáo ngày 10/6 năm nay.
Liên tiếp trong hai kỳ báo cáo gần đây, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ (thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt mức 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) nên đã được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khỏi "danh sách giám sát" theo báo cáo mới nhất vào ngày 10/11.
Quỳnh Trang