Ngay sau khi tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp cùng các bộ Quốc phòng, Công an để xem xét đánh giá sự việc.
Tàu Bình Minh 02 bị tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chủ quyền ở biển Đông như in hình lưỡi bò lên hộ chiếu, tỉnh Hải Nam thông qua điều lệ trị an trên biển có hiệu lực từ năm 2013. Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối một loạt sự việc trên”, ông Trịnh Đức Hải, Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu chính sách biển, thuộc Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, cho hay.
Vị trí xảy ra sự cố với tàu Bình Minh 02. Ảnh: Petrotimes |
Trước đó, vào lúc 4h5 ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 02 di chuyển ở khu vực ngoài ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để khảo sát địa chấn đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trái phép. Khi các lực lượng chức năng phát tín hiệu cảnh báo và yêu cầu tàu cá Trung Quốc ra khỏi khu vực của tàu Bình Minh 02, tàu kéo dã cào của Trung Quốc “đã chạy qua phía sau làm đứt cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02”. Sự việc xảy ra trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam.
Trước đó tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ra quy định mới về “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Ngày 23/11, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”, phạm vi bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Hôm nay người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố các việc làm của Trung Quốc đã làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
“Những hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp", thông cáo của người phát ngôn viết.
Ông Nghị cho biết thêm rằng đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.
Cáp tàu Bình Minh 02 bị đứt. Ảnh: Petrotimes |
Trả lời câu hỏi của VnExpress.net về các biện pháp bảo vệ tàu khảo sát, thăm dò, khai thác của PVN, ông Trịnh Đức Hải cho biết, thời gian gần đây, hàng loạt tàu cá, cao điểm có ngày lên tới 100 tàu, của Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gây cản trở đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Khi bị các lực lượng chức năng của Việt Nam đẩy đuổi, các tàu này đã tổ chức thành hình tròn gồm 15 tàu để tự bảo vệ và cản trở sự truy đuổi của phía Việt Nam.
“Sau việc tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp tàu Bình Minh 02, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã có biện pháp thích hợp để tăng cường bảo vệ”, ông Hải nói.
Đây là lần thứ hai tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam gặp sự cố với các tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Năm ngoái, ngày 26/5, tàu này đang hoạt động bình thường trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn. Địa điểm xảy ra sự việc cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên 120 hải lý.
Tại thời điểm tàu Bình Minh 02 bị đứt cáp lần này, "phía Việt Nam không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu xuất hiện nào của tàu chấp pháp Trung Quốc tại khu vực xảy ra sự cố", ông Trịnh Đức Hải cho biết thêm.
Cũng năm ngoái, ngày 9/6, được sự yểm trợ của các tàu ngư chính, tàu đánh cá Trung Quốc đã lao vào phá cáp của tàu Viking II đang thăm dò địa chấn trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Việt Nam. Việc này được đánh giá là hành động có tính toán kỹ từ trước, có hệ thống, nhằm biến khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp, dần hiện thực hóa yêu sách 9 đoạn của họ.
Trung Quốc đẩy mạnh đòi chủ quyền
Trong thời gian gần đây Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong việc đòi chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp sự vô lý trong tuyên bố của họ cũng như sự phản đối mạnh mẽ của các nước có liên quan.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc in bản đồ có yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông, thường được gọi là "đường lưỡi bò" lên mẫu hộ chiếu mới. Yêu sách này đòi chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bị tất cả các nước liên quan phản đối. Việt Nam và các nước như Philippines, Indonesia và Mỹ đã khẳng định không chấp nhận hoặc bày tỏ quan ngại về bản đồ này. Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, việc in hình lưỡi bò phản tác dụng, không có ý nghĩa gì trong việc tranh chấp biển Đông. Mỹ cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu và khẳng định “sẽ nêu mối quan ngại này với Trung Quốc”.
“Việt Nam không công nhận bất cứ giá trị pháp lý hay ý nghĩa chính trị về Trung Quốc in hình lưỡi bò trên hộ chiếu”, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối việc in bản đồ có "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu. Các cơ quan hữu quan Việt Nam không đóng dấu thị thực hoặc xuất nhập cảnh lên hộ chiếu có bản đồ sai trái này, mà cấp một thị thực rời kẹp trong hộ chiếu, ông Hải thuộc Ủy ban Biên giới cho biết.
Tuần trước, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc công bố một luật lệ mới cho phép các tàu chấp pháp của họ quyền tiếp cận và lục soát các tàu thuyền mà họ cho là vi phạm vùng nước trên Biển Đông. Quy định này được giới phân tích cho là sẽ đổ thêm dầu vào lửa vốn đã căng thẳng ở khu vực này.
Hoàng Lan