"Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo thường kỳ trực tuyến chiều nay.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc điều trinh sát cơ KQ-200 đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 23/4, Công ty ImageSat International (ISI) của Israel đăng trên tài khoản Twitter ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4 cho thấy hai phi cơ trên đường băng đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập. Ít nhất một máy bay tuần thám biển KQ-200 đậu trên đá Chữ Thập trong một đợt huấn luyện, có thể đang thực hành tìm kiếm tàu ngầm và tăng khả năng giám sát mặt biển. Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 đến đá Chữ Thập.
Đá Chữ Thập nằm trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, hải đăng cùng các công trình dân sự lẫn quân sự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại lập trường Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Hiện Việt Nam và các nước trên thế giới tập trung kiềm chế Covid-19, ngăn chặn khả năng dịch bùng phát trở lại. Các quốc gia cũng nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Nhắc đến các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tập trung hàng trăm tàu dân binh và tàu cá ở đá Ba Đầu, Én Đất ở Trường Sa, người phát ngôn cho biết Việt Nam luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông.
"Chúng tôi cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá. Việt Nam và các nước kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc.