Trung Quốc hôm 5/4 khánh thành công trình cao 55 m trên đá Subi với công nghệ theo dõi các tàu thuyền lưu thông qua đây, theo Xinhua. Những hình ảnh về lễ khánh thành cho thấy những người đàn ông mặc sơmi trắng đứng bên cạnh ngọn hải đăng, gần băng rôn viết "Lễ bật đèn". Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là bất hợp pháp và vô giá trị.
"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", ông Bình nêu rõ.
Chiều nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về vấn đề trên.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã biến đá Subi của Việt Nam thành đảo nhân tạo rộng gần 400 hecta vào năm ngoái. Hành vi xây dựng đảo phi pháp này của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Bắc Kinh biện bạch rằng việc xây dựng nhằm hỗ trợ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ trên biển.
Cuối tháng 10/2015, Trung Quốc đưa vào sử dụng hai ngọn đăng cỡ lớn khác tại đảo nhân tạo phi pháp bồi đắp trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài các hải đăng, Trung Quốc còn xây dựng các đường băng dài tới 3.000 mét trên các đảo nhân tạo phi pháp này, cùng các trạm radar cao tần và nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác.
Anh Ngọc