Số liệu mới công bố của hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu 6,5 tỷ USD, khiến nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc lên tới 16 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại này đã giúp Hàn Quốc soán ngôi Trung Quốc (13 tỷ USD), trở thành nước mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất.
Thực tế, những cảnh báo về việc Việt Nam nhập siêu lớn từ Hàn Quốc đã có từ lâu, khi các “đại gia” Hàn Quốc bắt đầu dồn lực đầu tư vào Việt Nam. Năm 2010, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 6,67 tỷ USD. Con số này tăng lên 14,09 tỷ USD 3 năm sau đó và nhanh chóng lên mức 20,6 tỷ USD kết thúc năm 2016. Năm nay, mới qua 6 tháng, số liệu nhập siêu từ thị trường này đã xấp xỉ 16 tỷ USD. Nghĩa là, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh dần đều trong 7 năm qua.
Lý giải việc Hàn Quốc giữ ngôi đầu bảng trong thâm hụt thương mại với Việt Nam nửa đầu năm nay, Thứ trưởng Công Thương – Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam đã tận dụng lợi thế được hưởng thuế suất ưu đãi 0% từ Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ đầu năm để tăng cường nhập hàng từ Hàn Quốc.
“Họ nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phụ tùng thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất, đặc biệt là Samsung”, ông Hải nói.
Xu hướng này, theo đại diện Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2017, bởi thông lệ hàng năm, xuất khẩu từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, nên các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.
Thực tế, áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc đã được cảnh báo từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực năm 2015. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa tận dụng được lợi thế mà VKFTA đem lại. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã làm khá tốt điều này. Ông Long phân tích, về bản chất các FTA sẽ tạo cơ hội giao thương giữa 2 thị trường, song do năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là nông – thủy sản nên giá trị không cao. Điều này dẫn tới việc khi nhiều FTA đi vào hiệu lực, nhập siêu từ các thị trường khác có xu hướng gia tăng.
Ngoài tận dụng lợi thế từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc đem lại, thì lượng vốn lớn đầu tư từ Hàn Quốc rót vào Việt Nam thời gian qua cũng lý giải nguyên nhân vì sao nhập siêu từ nước này tăng nhanh. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nửa đầu năm nay đã có 4,95 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc đăng ký vào Việt Nam, chiếm một phần tư tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc cũng dẫn đầu về số dự án cấp mới, dự án tăng vốn. Phần lớn vốn FDI Hàn Quốc đăng ký trong 6 tháng đầu năm tập trung vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, nên nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
“Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn vào Việt Nam và dùng chính tiền đầu tư quay lại nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu máy móc… từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, bản chất nhập siêu của Hàn Quốc khác Trung Quốc, nên chưa đáng lo”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận xét.
Cho rằng con số thâm hụt thương mại gần 16 tỷ USD nghiêng về phía Hàn Quốc là con số đáng chú ý, song theo ông Ngô Trí Long, không nên vội vàng nghĩ tới áp rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật với thị trường Hàn Quốc lúc này.
“Hàn Quốc là nước phát triển, chất lượng hàng hóa tốt, chúng ta nhập chủ yếu qua đường chính ngạch. Nếu dùng rào cản kỹ thuật phi lý sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ làm ăn không những với Hàn Quốc, mà cả với các nước”, chuyên gia này nói, đồng thời nhấn mạnh, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao hơn năng lực cạnh tranh, cũng như tận dụng lợi thế mà các FTA đem lại.
Anh Minh