Nhập khẩu bánh kẹo tăng vọt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2019 - tháng cao điểm mua sắm trước Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam nhập khẩu 45,1 triệu USD bánh kẹo, ngũ cốc từ 11 quốc gia, tăng hơn 76% so với thời điểm tháng 1/2019 - tháng trước Tết Kỷ Hợi 2019. Đứng đầu danh sách cung cấp bánh kẹo Tết cho Việt Nam vẫn là các nước ASEAN, bao gồm: Indonesia (17,6 triệu USD), Thái Lan (6,7 triệu USD) và Malaysia (5,2 triệu USD).
Đặc biệt trong năm nay, lượng bánh kẹo nhập về từ Hà Lan tăng vọt so với năm ngoái. Nếu như dịp cận Tết 2019, các doanh nghiệp chỉ nhập lượng bánh kẹo tương đương 23.687 USD từ quốc gia Tây Âu thì con số này đã tăng đến 381.947 USD trong Tết năm nay (tức tăng đến 16 lần). Luỹ kế trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 355,7 triệu USD bánh kẹo, chủ yếu từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nói về lý do lượng bánh kẹo nhập khẩu về nước tăng vọt trong năm qua vừa qua, theo các chuyên gia, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Theo đó, có đến 98,2% mặt hàng từ khối Đông Nam Á được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam trong năm 2019. Bánh kẹo nằm trong nhóm được miễn thuế từ 1/1/2018. Điều này có nghĩa là các sản phẩm xuất xứ từ ASEAN có cơ hội cạnh tranh ngang hàng với hàng hoá sản xuất trong nước.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp từ các nước Âu - Mỹ đã mở rộng nhà máy sang một số nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia... để tận dụng miếng bánh thị trường quy mô gần 700 triệu dân của Đông Nam Á. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thuần về thương mại trong nước cũng đặt các nhà máy nước ngoài gia công nhãn hàng riêng, dán nhãn ngoại nhập để đánh vào tâm lý thích hàng ngoại của người Việt.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM - phí vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam thậm chí còn rẻ hơn từ Hà Nội về TP HCM, trong khi thuế suất bằng 0%. Do đó, mua hàng Thái Lan hay từ các nước ASEAN cũng giống như mua hàng trong nước, khiến người ta thích mua hơn.
Từ nhiều năm trước, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến cuộc đua thâu tóm, mở rộng thị phần của các đại gia Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ... đã nằm trong tay của các đơn vị này. Chuỗi bán lẻ của Indonesia hay Malaysia cũng tìm cách xâm nhập. Điều này trải sẵn kênh phân phối cho hàng hóa các nước vào Việt Nam một cách dễ dàng hơn, khi biểu thuế dần hạ xuống.
Về chủ quan, ông Hưng cho rằng, tâm lý chuộng hàng quốc tế của người tiêu dùng còn phần nào xuất phát từ tính cạnh tranh hạn chế của các mặt hàng bánh kẹo trong nước còn hạn chế, đặc biệt ở bao bì, mẫu mã hay chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Số lượng các doanh nghiệp có thể đứng vững, đủ khả năng so sánh sòng phẳng với hàng ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trường càng thu hẹp khi hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong nước dần rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Thế mạnh của doanh nghiệp Việt
Đại diện Bibica đưa ra dẫn chứng, trong khi người Việt chi đến 355,7 triệu USD nhập khẩu bánh kẹo ngoại, thì các doanh nghiệp trong nước đã mang về hơn 660 triệu USD ngoại tệ từ việc xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2019, tức xuất siêu khoảng 300 triệu USD. Khách hàng quốc tế của bánh kẹo Việt đã mở rộng ra 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chiếm tỷ lệ đáng kể là các thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh...
Hiện tại, Bibica rất tự tin về dây chuyền công nghệ sản xuất hay công thức bánh kẹo trong nước không thua kém gì nước ngoài. Doanh nghiệp này đang sở hữu các dây chuyền hiện đại của châu Âu, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001 và nay là ISO 22000. Các sản phẩm của Bibica không chỉ thu hút thị trường trong nước mà còn có mặt trên kệ siêu thị của 20 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Đại diện Bibica cho biết thêm, các doanh nghiệp trong nước sở hữu một thế mạnh cạnh tranh, đó là sự am hiểu về người tiêu dùng trong nước. Cụ thể, Bibica hiểu rõ khẩu vị người Việt nhất, thích gì, cần gì và đưa những điều đó vào trong sản phẩm, bao bì thiết kế.
"Chất lượng có thể nói không thua kém gì hàng ngoại mà giá cả rất cạnh tranh. Cái duy nhất các doanh nghiệp Việt cần ở đây là niềm tin của người tiêu dùng dành cho sản phẩm Việt", vị đại diện nói.
(Nguồn: Bibica)·