Chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035 mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, từ vị thế là quốc gia xuất khẩu đến nay Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên liệu bào chế dược.
"Những năm 1980, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nhiều tinh dầu, dược liệu, nhưng đến nay 80% nguyên liệu bào chế dược trong nước phải đi nhập khẩu", đại diện một Viện nghiên cứu chia sẻ và nhấn mạnh, nguyên nhân chính nằm ở việc quy hoạch ngành chưa đủ mạnh dẫn đến sự phát triển theo hướng "mạnh ai người đó làm".
Tiến sỹ Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, Việt Nam thuộc vùng khí hậu có nhiều tiềm năng để phát triển dược liệu, có rất nhiều giống dược liệu tốt mang tính đặc thù. Tuy nhiên, phần lớn dược liệu thô hiện tại chưa được khai thác để phục vụ ngành dược trong nước mà chuyển đi xuất khẩu, rồi sau đó chính nguyên liệu bào chế dược lại được nhập trở lại.
"Nhiều loại dược liệu trong nước có nhiều tác dụng và hoàn toàn có thể tận dụng để bào chế dược, như cây quế nhưng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng. Trung Quốc hiện tại đang nhập khẩu rất nhiều dược liệu thô từ Việt Nam, nếu không có giải pháp cụ thể, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội phát triển một trong những ngành vốn là thế mạnh", ông Cảnh cho biết.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số 22 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển dựa theo tiêu chí tổng giá trị tiêu thụ thuốc hàng năm (ước tính khoảng 4,8 tỷ USD). Thị trường dược phẩm Việt Nam cũng được đánh giá có mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, khoảng 17% mỗi năm, dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, số liệu về hiện trạng ngành công nghiệp hóa dược của Bộ Công Thương lại cho thấy, quy mô ngành công nghiệp hóa dược trong nước còn nhỏ bé, nghèo nàn về chủng loại sản phẩm với trên 90% phải nhập khẩu.
Ngành dược trong nước, thực tế vẫn tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc phổ thông có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2 trên 7 cơ sở đạt GMP.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, một phần nguyên nhân khiến ngành dược liệu Việt Nam bị phân tán là do "ôm đồm" quá nhiều và xây dựng chuỗi liên kết lấy doanh nghiệp là trung tâm vẫn chưa đủ mạnh.
"Với hiện trạng ngành dược liệu của Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ trọng tâm phát triển theo những nhóm sản phẩm chiến lược, thay vì phân tán doanh nghiệp thích trồng cây nào, xây dựng vùng dược liệu nào thì làm cái đó như trước đây", một chuyên gia chia sẻ.
Hiện Việt Nam có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược và 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, ngoài ra còn có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc nhỏ lẻ. Tuy nhiên, quy mô các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cả về tiềm lực tài chính lẫn nhân lực. Các nhà máy trong nước đều sản xuất danh mục sản phẩm tương đối giống nhau.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng phần lớn các doanh nghiệp tập trung sản xuất thuốc thông thường, trong khi đó có quá ít cơ sở sản xuất thuốc có dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên khoa đặc trị do đó rất khó cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Minh Sơn