Một ngày sau khi Trung Quốc mở cửa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo về giải pháp hút khách Trung Quốc đến Việt Nam. Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng nên tận dụng thời gian này để đổi mới, đón khách Trung Quốc chất lượng cao, nâng tầm du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay trước Covid-19, tình trạng tour giá rẻ (tour 0 đồng), kinh doanh núp bóng, lừa đảo trong mua bán hàng hóa, các cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành chui đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc lộn xộn, khó quản lý. Ngành du lịch cần "xóa bài, đánh ván mới" với khách Trung Quốc.
Cả nhà quản lý và doanh nghiệp phải có giải pháp để đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững với thị trường quan trọng này. "Người Trung Quốc không nghèo. Họ có nhu cầu cao về việc tận hưởng sản phẩm du lịch chất lượng. Cần đón khách Trung Quốc như khách Mỹ, Nhật, Tây Âu thì mới thu được chi phí lớn nhất từ họ", ông Bình bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc một công ty lữ hành tại Nha Trang, cho rằng phải có những cuộc xúc tiến du lịch tại Trung Quốc để tiếp cận khách chất lượng, có nhu cầu du lịch chính thống. "Các doanh nghiệp làm tour giá rẻ, tour không đồng trốn thuế, bất hợp pháp phải được loại bỏ", ông Thắng nói. Đồng ý với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng "không thể để người Trung Quốc lợi dụng người Việt Nam lừa người Trung Quốc trên đất Việt Nam".
Để làm được điều đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng cần hướng tới các sản phẩm chất lượng, cấu trúc lại việc quản lý điểm đến. "Những điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhân lực và sản phẩm của chúng ta phải làm mới, quản lý chặt chẽ, chất lượng hơn. Sau 3 năm Covid-19, mọi thứ trở lại vạch xuất phát. Đây là cơ hội để chúng ta làm lại với thị trường Trung Quốc", ông Bình nói.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đề xuất cơ chế đặc thù để đón khách Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ và xây dựng các nhóm, CLB lữ hành có hình thức hoạt động phù hợp.
Việc Trung Quốc mở cửa từ 8/1 sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với gần 155 triệu lượt khách đi nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới. Tương tự ở Việt Nam, khách Trung Quốc cũng dẫn đầu năm 2019 với 5,8 triệu lượt. Ngoài ra, người Việt Nam du lịch Trung Quốc cũng đứng đầu thị trường outbound với 4,5 triệu lượt.
Trong 3 năm Trung Quốc đóng cửa, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam gặp khó khăn. Trong thời gian chờ đợi du lịch thực sự trở lại, ông Vũ Thế Bình đề nghị không thể để khách tràn vào mới triển khai hoạt động rồi nói không có thời gian chuẩn bị và phát sinh tiêu cực.
Nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên thế giới đã thay đổi, khách Trung Quốc cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Việt Nam rất cần những sản phẩm mới chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng. "Đây là thời điểm thay đổi lại phân khúc thị trường khách, chất lượng hơn, hiệu quả hơn", ông Khánh nhận định. Vì vậy, cần đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện nâng cấp cơ sở vật chất cũng như nhân lực du lịch phục vụ khách Trung Quốc.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh hoạt động kết nối thị trường, xúc tiến, quảng bá với các địa phương, doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc. Cần có các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, đón các đoàn famtrip, KOL từ thị trường Trung Quốc và tìm hiểu ứng dụng công nghệ như Weibo, Douyin, Xigua để giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị thị trường này.
Ở khu vực Đông Nam Á, khách Trung Quốc luôn coi Thái Lan là điểm đến hàng đầu. "Việt Nam mới chỉ là nơi mà người Trung Quốc hướng tới chứ chưa phải là sự lựa chọn", một doanh nghiệp cho hay. Tạo ấn tượng tốt nhất đối với khách Trung Quốc để đảm bảo phát triển bền vững thị trường quan trọng này là điều mà tất cả những người làm du lịch Việt Nam đang tập trung giải quyết.
Lê Tân