Đây là kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (GATS) năm 2015, của Bộ Y tế. Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hiện tỷ lệ này chắc chắn cao hơn nhiều, đặc biệt ở giới trẻ. Một cuộc điều tra mới về thực trạng hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đang được Bộ Y tế tiến hành, dự kiến năm 2020 mới kết thúc.
"Việt Nam nên cấm thuốc lá điện tử", bà Hải nói tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá, ngày 13/11.
Theo bà Hải, nhiều công ty thuốc lá đang cố gắng thuyết phục các chính phủ rằng sử dụng thuốc lá điện tử là biện pháp tốt để cai nghiện thuốc lá cổ điển. Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế, chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử giúp người nghiện thuốc cai được. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử còn chứa các thành phần, hóa chất, mùi vị hương liệu để hấp dẫn người sử dụng. Trên thế giới đã ghi nhận hàng nghìn ca bệnh nặng có liên quan đến thuốc lá điện tử. Hàng nghìn người ở Mỹ bị suy hô hấp, tổn thương phổi nặng do sử dụng thuốc lá điện tử, 39 người đã tử vong.
42 nước đã cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử như Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc..., 71 nước kiểm soát. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để đề xuất với chính phủ và làm việc với Bộ Công thương quản lý, hạn chế, tiến tới quy định cấm.
Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong thuốc lá điện tử có nicotin nên không thể giúp người bệnh cai thuốc. Thực chất nó khiến người hút chuyển từ nghiện thuốc lá truyền thống sang thuốc lá điện tử. Ngoài nicotin, trong thuốc lá điện tử còn có các hương liệu, phụ gia, nếu không được quản lý chặt có thể bị trộn cả ma túy. Phân tích thành phần trong khói thuốc lá điện tử đã phát hiện có chất gây ung thư như benzen... giống thuốc lá thông thường.
"Thuốc lá điện tử không ít tác hại hơn thuốc lá truyền thống, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác mà chúng ta chưa đánh giá hết được", bác sĩ Quyên nói.
Theo WHO, có hai nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử (chứa nicotine, không có lá thuốc) và thuốc lá nung (chứa lá thuốc và nicotine).
Thuốc lá điện tử (Electronic nicotine delivery systems - ENDS) nung nóng một loại dịch chứa nicotine tạo ra khí aerosol người sử dụng hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol hoặc Glycerin đóng vai trò dung môi cho nicotine. Thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện từ (e-cigar), shisha điện tử (e-shishas).
Thuốc lá làm nóng (Heated tobacco products - HTP) nung sợi thuốc lá tới khoảng 350 độ C bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá, khoảng 600 độ C.
WHO cho rằng thuốc nung tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá và nên được kiểm soát như thuốc lá. Nicotine là chất gây nghiện mạnh và có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai.
Đối với thuốc lá nói chung, có khoảng 15 triệu người Việt trưởng thành đang hút. Mỗi năm tỷ lệ người hút thuốc chỉ giảm 1-1,5%.
Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 15-30 bệnh nhân phổi và đường hô hấp, khoảng hai phần ba trong số họ có tiền sử hút và nghiện thuốc lá, thuốc lào.
"Trung bình một điếu thuốc chứa 1-3 mg nicotin, tác động đến não bộ. Nicotin được xếp vào nhóm có tính chất gây nghiện tương tự như ma túy, heroin và cocain nên muốn cai nghiện cũng rất gian nan và đòi hỏi người nghiện phải có quyết tâm rất cao", bác sĩ Quyên nói.
Từ đầu năm đến nay Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (18006606) của Bộ Y tế, đã tư vấn cho gần 8.000 cuộc gọi. Hơn 3.600 bệnh nhân tham gia chương trình tư vấn cai thuốc lá chủ động từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2019 có 750 trường hợp cai nghiện thành công, tương đương trung bình thế giới.