"Chúng tôi hết sức quan tâm đến các quyết định của Mỹ đối với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hai nước trong nhiều năm đã hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai và đặc biệt là khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua các cơ chế và hình thức khác nhau, trong đó có USAID", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong họp báo ngày 13/2.
Phát biểu được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về tác động của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây ký sắc lệnh đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài, trong số đó có khoản viện trợ rà phá bom mìn, vật liệu nổ sót lại từ chiến tranh tại Việt Nam, cũng như hoạt động của USAID ở nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng các dự án viện trợ của Mỹ đã phát huy hiệu quả tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân được hưởng lợi ích từ đó.
"Việc dừng các dự án hỗ trợ của USAID, nhất là rà phá bom mìn và vật liệu nổ, cũng như dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, sẽ tác động mạnh đến an toàn của con người và môi trường ở nơi triển khai", bà Hằng nói.
Mỹ từ năm 1993 đã cung cấp khoảng 200 triệu USD cho các chương trình tiêu hủy vũ khí truyền thống tại Việt Nam với mục đích rà phá bom mìn, vật liệu nổ, giáo dục về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia.
![Đội kỹ thuật trình diễn quá trình khảo sát dấu vết bom chùm để lập bản đồ khu vực cần rà phá tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 9/2022. Ảnh: Vũ Anh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/img-2689-1662712868-1739440076-5345-3006-1739441866.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cOV9TKtbjgGCrH1oF_Yq3w)
Đội rà phá bom mìn do Mỹ tài trợ khảo sát dấu vết bom chùm tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 9/2022. Ảnh: Vũ Anh
Hoạt động hỗ trợ của Mỹ được tiến hành thông qua các dự án cung cấp cố vấn kỹ thuật, hỗ trợ quản lý thông tin cho Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia (VNMAC), cũng như cấp ngân sách cho các tổ chức phi chính phủ như Peace Trees Vietnam và chuyển giao trang thiết bị, huấn luyện nhân lực phục vụ rà phá bom mìn.
Theo ước tính của VNMAC, Việt Nam có khoảng 800 nghìn tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.
Việt Nam cũng đang phối hợp với USAID tiến hành dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Hôm 17/1, trước khi ông Trump nhậm chức, chính phủ Mỹ đã cam kết tăng nguồn vốn từ 300 triệu USD lên 430 triệu USD để tiếp tục dự án, bổ sung 140 triệu USD để mở rộng quy mô, phạm vi hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học, dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
"Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn cùng Mỹ tiếp tục triển khai thực chất, hiệu quả các hoạt động hợp tác này, góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài theo đúng tinh thần tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững" bà Hằng nói.
Người phát ngôn cũng nhận định hỗ trợ của Mỹ và hợp tác từ Việt Nam trong hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh mang ý nghĩa thiết thực, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và càng trở nên quan trọng khi Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump ngày 20/1 ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ hầu hết viện trợ nước ngoài trong 90 ngày. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sau đó gửi bản ghi nhớ cho các nhân viên dưới quyền, khẳng định "sẽ không có thêm khoản tiền nào được cấp cho các chương trình tài trợ mới hoặc gia hạn chương trình hiện có, cho tới khi từng đề xuất được đánh giá và chấp thuận".
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đóng cửa các văn phòng USAID ở nước ngoài và triệu hồi nhân viên về nước. Cơ quan này đang đối mặt đợt cắt giảm lớn về nhân sự và ngân sách theo khuyến nghị của Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo.
USAID được thành lập theo đạo luật của quốc hội Mỹ vào năm 1961, tập trung vào hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển trên toàn thế giới. Cơ quan này chiếm khoảng hai phần ba ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ, cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế, sức khỏe và hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp.
![Xử lý đất ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa tháng 12/2022. Ảnh: USAID](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/san-bay-bien-hoa-1-6281-169042-8369-6536-1739440662.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QNDWpISqkEfiJ4PZCo0-BA)
Xử lý đất ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa tháng 12/2022. Ảnh: USAID
Trong thư gửi tới Ngoại trưởng Rubio và Nhà Trắng tuần trước, 17 cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam, Lào, Campuchia kêu gọi Mỹ không đóng băng hoạt động rà phá bom mìn tại ba nước. Các cựu đại sứ cho biết quyết định đình chỉ hỗ trợ nước ngoài trong 90 ngày khiến các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh mà Mỹ tài trợ bị ngừng lại.
Các cựu đại sứ cho biết hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của việc chính quyền mới xem xét lại những chương trình hỗ trợ nước ngoài, nhưng quyết định trên nguy cơ khiến các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh bị chậm trễ nghiêm trọng, thậm chí biến mất hoàn toàn tại "ba quốc gia có tầm quan trọng chiến lược to lớn với Mỹ".
Bởi vậy, một lệnh miễn trừ hoặc đánh giá nhanh chóng, tích cực đối với các chương trình rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân ở các nước Việt Nam, Lào, Campuchia là rất cần thiết, các cựu đại sứ viết trong thư.
Ngọc Ánh - Nguyễn Tiến