Tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 sáng 7/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam sẽ "không chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn", tiến tới tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
Ngoài các điều kiện về chính sách, nguồn nhân lực, hệ sinh thái bán dẫn trong nước, Bộ trưởng Dũng cũng cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau".
"Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế có nền công nghiệp bán dẫn phát triển, nhằm học hỏi kinh nghiệm và đón nhận những tiến bộ công nghệ mới nhất", ông Dũng nói, nhắc tới việc Việt Nam là một trong sáu quốc gia được chọn tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI) của Mỹ.
Dự kiến trong năm nay, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định.
Là đơn vị xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tại sự kiện cũng tái khẳng định tư duy về hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện ở công thức phát triển chip C = SET+1, trong đó yếu tố "+1" thể hiện việc Việt Nam nỗ lực trở thành điểm đến mới, khi các quốc gia đã có công nghiệp bán dẫn đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn. "Đây là điểm khác biệt về tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam so với các nước khác", đại diện Bộ TT&TT khẳng định.
Tại sự kiện, ông KC Ang, chủ tịch khu vực châu Á của nhà sản xuất GlobalFoundries, cố vấn cho hiệp hội bán dẫn SEMI cho biết thế giới đang có sự chuyển dịch về đầu tư trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Ông Ang đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm bán dẫn mới, thu hút được nhiều doanh nghiệp quốc tế như Samsung, Amkor, Intel, Hana Micron, Marvell, Infineon. Thị trường Việt có tiềm năng để phát triển các khâu về thiết kế và ATP (lắp ráp, kiểm thử, đóng gói). Dẫn thống kê của Statista, ông Ang cho biết doanh thu ngành này tại Việt Nam năm 2024 có thể đạt 18 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 11,48% trong năm năm tới.
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn - SEMIExpo Vietnam 2024 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một triển lãm quy mô về ngành công nghiệp bán dẫn, với sự tham gia của hơn 5.000 đại biểu và khoảng 100 gian hàng, đến từ các hãng quốc tế như Cadence, Intel, Qorvo, và hãng Việt Nam như FPT, Viettel. Triển lãm được cho là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Lưu Quý